Sau cơn 'bĩ cực', cơ hội phục hồi nào cho Lọc hóa dầu Bình Sơn?

Mai Hương(T/H) 16:17 20/07/2020

Ông Bùi Minh Tiến - Tổng Giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - cho biết chưa bao giờ Công ty gặp khó khăn như vậy kể từ khi đi vào hoạt động.

Cơn 'bĩ cực' của Lọc hóa dầu Bình Sơn

Nhìn lại nửa đầu năm hoạt động, ông Bùi Minh Tiến - Tổng Giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - cho biết chưa bao giờ Công ty gặp khó khăn lớn như vậy kể từ khi đi vào hoạt động.

Trong quý 1/2020, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo lỗ ròng kỷ lục hơn 2.300 tỷ đồng ghi nhận quý lỗ thứ 2 kể từ khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 1-2018. Sau khoản lỗ khủng trong quý 1, doanh nghiệp này dự báo tiếp tục lỗ 2.000 tỷ đồng trong quý 2 bất chấp thỏa thuận OPEC+ cắt giảm 10 triệu thùng dầu bắt đầu có hiệu lực cùng với việc các nước đang dần mở cửa trở lại giúp giá dầu thoát đáy.

6 tháng đầu năm 2020, BSR đã sản xuất khoảng 3,43 triệu tấn, đạt 61,7% kế hoạch năm - Ảnh: BSR

Tháng 4/2020 chính là cao điểm thực hiện giãn cách xã hội trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng khiến hoạt động giao thông vận tải, sản xuất kinh doanh đình trệ, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu trong nước giảm mạnh.

Giá dầu thô giảm xuống mức âm trong phiên giao dịch rạng sáng ngày 21/04/2020. Dù giá dầu sau đó phục hồi trở lại, nhưng việc giảm mạnh trong tháng 4 kéo theo giá xăng dầu trong nước thời gian này cũng giảm mạnh.

Sản phẩm Mogas 95 được coi là sản phẩm chủ lực mang lại doanh thu và lợi nhuận cho BSR nhưng trong tháng 4 cũng ghi nhận crack spread (chênh lệch giữa giá các sản phẩm bán ra và giá dầu thô nguyên liệu đầu vào) trung bình của tháng là -2.98 USD/thùng, lãnh đạo BSR chia sẻ.

Việc dư thừa dầu còn khiến các nhà máy lọc dầu trong khu vực và trên thế giới giảm giá bán nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho và gây sức ép cạnh tranh lớn về giá bán với xăng dầu sản xuất trong nước.

Báo cáo tài chính của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vừa công bố cho biết trong quý 2/2020, Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng giảm 50.7% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 13,718 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 1,897.5 tỷ đồng. Lợi nhuận trong nửa đầu năm 2020 âm 4,229.9 tỷ đồng.

Trong cái khó, ló cái khôn

Trong tình thế căng như dây đàn, Ban lãnh đạo BSR quyết tâm duy trì nhà máy vận hành liên tục, áp dụng mọi giải pháp để chèo chống qua khó khăn, tránh những đổ vỡ dây chuyền.

Trong khó ló cái khôn, một loạt giải pháp sáng tạo đã được áp dụng như tối ưu dầu thô chế biến, linh hoạt trong việc điều chỉnh công suất nhà máy theo nhu cầu thị trường, giải phóng hàng tồn kho giá cao để có chỗ chứa cho các lô dầu thô có giá thấp.

BSR cũng chủ động làm việc với nhà cung cấp dầu thô giãn thời gian thanh toán, giảm cước vận chuyển. Tăng cường công tác quản trị dòng tiền, triển khai các giải pháp như tối ưu số dư tiền gửi không kỳ hạn, sử dụng linh hoạt giữa vay vốn lưu động và gửi tiền có kỳ hạn nhằm tận dụng lãi suất vay ưu đãi để tăng thu nhập tài chính.

Bên cạnh đó, công tác thu xếp ngoại tệ để thanh toán dầu thô và hàng hóa dịch vụ luôn được đảm bảo chính xác, đúng hạn, tỷ giá ngoại tệ thực hiện/mua được luôn thấp hơn tỷ giá niêm yết tại các Ngân hàng góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Kết quả, nhà máy vận hành an toàn, ổn định, liên tục với công suất trung bình trên 105% công suất thiết kế. Khối lượng sản xuất khoảng 3,43 triệu tấn, đạt 61,7% kế hoạch năm và 106,7% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2020.
Tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 3,35 triệu tấn, đạt 60,3% kế hoạch năm và 104,3% kế hoạch 6 tháng đầu năm 2020, nộp ngân sách hơn 3.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý 2 của BSR, trong tháng 4 và 5 ghi nhận lỗ nhưng sang tháng 6 BSR đã kinh doanh tốt và bắt đầu có lãi, hơn 1.000 tỉ đồng, chấm dứt tình trạng lỗ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu.
Lãnh đạo Công ty cho biết chi phí tiết giảm trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 975 tỷ đồng và Công ty sẽ tiếp tục nỗ lực tiết giảm trong nửa cuối năm với mục tiêu trong cả năm 2020 sẽ tiết giảm 1,500 tỷ đồng.

Trong nửa cuối năm 2020, BSR dự kiến sản lượng sản xuất và tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu khoảng 23.600 tỉ đồng và nộp ngân sách khoảng 2.000 tỉ đồng.

Việc quan trọng nhất đối với BSR trong quý III là tổ chức công tác chuẩn bị và thực hiện thành công đợt bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần 4 nhà máy lọc dầu Dung Quất đảm bảo an toàn, chất lượng, tiết kiệm chi phí, phấn đấu rút ngắn thời gian để tăng hiệu suất hoạt động, tạo ra hiệu quả cao nhất.

Ban lãnh đạo BSR kỳ vọng, kết quả kinh doanh có thể bắt đầu phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2020, với giả định dịch COVID-19 không bùng phát trở lại, và giá dầu biến động sát với kỳ vọng.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/sau-con-bi-cuc-co-hoi-phuc-hoi-nao-cho-loc-hoa-dau-binh-son-d79362.html

Bạn đang đọc bài viết Sau cơn 'bĩ cực', cơ hội phục hồi nào cho Lọc hóa dầu Bình Sơn? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất