Năm 2019 thép duy trì thị phần số 1
Theo báo cáo thường niên Tập Đoàn Hòa Phát công bố, kết thúc năm 2019, Hòa Phát lãi ròng 7.578 tỷ đồng, quy mô doanh thu năm 2019 tăng gấp 3 lần sau 6 năm (từ 2013) đạt 64.678 tỷ đồng tăng trưởng 14% so với năm 2018.
Lĩnh vực thép đóng vai trò chủ lực, chiếm 80% tổng doanh thu toàn Tập đoàn. Năm 2019, tổng sản lượng các loại thép tiêu thụ là 3.618.000 tấn, tăng 14% so với 2018. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục duy trì thị phần số 1 trên thị trường lần lượt là 26,2% và 31,5%.
Điện lạnh đẩy mạnh sản lượng điều hòa không khí Funiki tổng sản lượng đã bán ra thị trường là 260.000 sản phẩm. Tủ đông và tủ lạnh cũng tăng trưởng tốt. Nội thất ghi dấu ấn mạnh mẽ với dòng hàng gia đình, đồng thời liên tục dẫn đầu thị phần nội thất văn phòng với hàng loạt dự án lớn.
Lĩnh vực bất động sản vượt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận so với kế hoạch được giao. Tính đến cuối năm 2019, các khu công nghiệp Hòa Phát đã cho thuê được trên 43,2 ha đất, tăng 48% so với cùng kỳ, doanh thu tăng 56% đạt trên 702 tỷ đồng.
Với bất động sản nhà ở, khu đô thị, Hòa Phát đang tập trung triển khai Khu đô thị Bắc Phố Nối (Hưng Yên) với quy mô 262ha. Dự kiến phân kỳ I của dự án sẽ đủ điều kiện bán hàng cuối năm 2020.
Hòa Phát tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng nhờ sáng kiến, cải tiến kỹ thuật
Với đặc thù sản xuất công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó hoạt động sản xuất gang thép sử dụng lượng lớn điện, nước, than… Hòa Phát đề cao việc sử dụng tiết kiệm các loại năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và khuyến khích áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật triển khai tại các nhà máy sản xuất của Tập đoàn.
Đều đặn hàng năm, Công ty tổng hợp sáng kiến làm hai đợt và tổ chức các hoạt động khen thưởng cá nhân, tập thể có những sáng kiến xuất sắc nhất. Năm 2019, Công ty Thép Hòa Phát Hải Dương đã có 55 sáng kiến cải tiến, với giá trị làm lợi khoảng 150 tỷ đồng. Có thể kể đến sáng kiến thiết kế, lắp đặt hệ thống tuyển than của anh Lê Quang Vượng, Nguyễn Văn Dương – Nhà máy Luyện thép để chọn lọc ra những loại than hợp quy cách phục vụ sản xuất và loại bỏ than cám. Công suất thiết kế của hệ thống đạt 50-70 tấn/giờ, đảm bảo cung cấp than phục vụ sản xuất, nghiền sàng phân loại than hợp quy cách (cỡ hạt 8-10mm) để phục vụ hợp kim hóa sau lò, loại bỏ than cám mịn không hợp quy cách. Sáng kiến này đã tiết kiệm cho công ty chi phí 89 tỷ đồng/năm đồng thời đảm bảo được chất lượng than ron cung cấp cho lò thổi, giảm lượng bụi phát sinh khi hợp kim hóa sau lò, giảm tiêu hao và hạn chế phát sinh bụi than cám khi hợp kim sau lò, tận dụng được lượng than cám mịn cung cung cấp cho thiêu kết.
Còn sáng kiến “Nâng cao chất lượng phôi đúc cho hệ thống máy đúc” của anh Hồ Văn Cường, Quản đốc PX Đúc, Nhà máy Luyện thép đề xuất đăng ký góp phần hạn chế được các khuyết tật nứt phôi đúc, tăng tốc độ đúc. Về công nghệ, sáng kiến đã hoàn thiện được bảng chế độ nước làm mát phôi chuẩn cho từng mác thép và từng tiết diện phôi đúc. Đối với thiết bị, hoàn thiện quy trình cân chỉnh và lắp đặt cây nước, hiệu chỉnh bán kính cong R&M cho máy đúc. Tinh thần tập thể sáng kiến này không chỉ giúp đạt chất lượng phôi đúc mà giá trị làm lợi cho công ty là con số không hề nhỏ - trên 12,3 tỷ đồng/năm.
Với nhiều sáng kiến cải tiến được đề xuất, áp dụng hiệu quả trong thực tế, các công ty Ống thép đã làm lợi cho Hòa Phát nhiều tỷ đồng mỗi năm. Quan trọng hơn, phong trào đã có sức lan tỏa lớn tới cán bộ, kỹ sư, công nhân ở tất cả các phân xưởng, nhà máy của Ống thép Hòa Phát trên toàn quốc.
Tại Nhà máy Ống thép Hòa Phát Hưng Yên, với 16 sáng kiến, năm 2019, Ống thép Hưng Yên đã tiết kiệm hơn 3,6 tỷ/năm bằng những đề tài cải tiến bắt nguồn từ chính thực tế công việc trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm tiêu hao nguyên liệu, góp phần bảo vệ môi trường.
Nhận thấy mức tiêu thụ điện năng vào thời điểm giờ cao điểm trên các dây chuyền sản xuất đặc biệt là dây chuyền cán tương đối cao chiếm từ 18-24% tổng điện năng sử dụng, để tiết kiệm điện cho nhà máy, anh Trần Ngọc Duy, Phòng Kỹ thuật đã điều chỉnh công suất, giảm thời gian hoạt động của máy cán vào giờ cao điểm, tăng năng suất vào giờ thấp điểm. Qua đó đã tiết kiệm 1,36 tỷ đồng/năm chi phí tiền điện cho nhà máy khi đi vào thực hiện.
Đề tài giảm công suất quạt bằng cách thiết kế mạch điều khiển biến tần có thể điều chỉnh được tốc độ quạt Cyclon từ 0 đến 100% tốc độ định mức của anh Hoàng Văn Vinh đã tiết giảm tiêu thụ điện năng, làm lợi cho nhà máy trên 210 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, Nhà máy Luyện thép còn đóng góp thêm 2 sáng kiến cải tiến nữa là “Cải tiến nắp đậy thùng trung gian” và “Khắc phục lỗ khí bề mặt phôi đúc” do anh Hồ Văn Cường và anh Phùng Nhật Quang – Quản đốc Lò thổi đề xuất với giá trị làm lợi ước tính trên 2,5 tỷ đồng/năm…
|
Năm 2020 đặt mục tiêu sản lượng 3,5 - 3,6 triệu tấn thép xây dựng, tăng trưởng 100% tại phía Nam
Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua 3 tháng đầu năm với tâm lý thị trường thăng trầm theo đại dịch toàn cầu SARSCoV-2. Hiện HPG chưa công bố các chỉ tiêu kinh doanh cụ thể cho năm 2020 mà mới chỉ nêu các định hướng phát triển cơ bản trong năm 2020 bao gồm:
+ Trong mảng thép, Tập đoàn tiếp tục tăng sản lượng, chiếm lĩnh thị trường, song song với đầu tư mở rộng sản xuất, không ngừng đa dạng hóa chủng loại, mác thép và tối ưu hóa giá trị chuỗi sản phẩm từ thép. Hòa Phát đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2020 với sản lượng 3,5 - 3,6 triệu tấn thép xây dựng, tăng trưởng 100% so với sản lượng đạt được tại phía Nam năm 2019.
+ Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất phải được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo đi vào hoạt động đúng tiến độ, đặc biệt là trong năm 2020 sẽ đưa dây chuyền sản xuất HRC vào sản xuất và cung cấp sản phẩm ra thị trường.
+ Trong lĩnh vực nông nghiệp, công ty phấn đấu tiếp tục giữ thị phần số 1 về cung cấp bò Úc, tăng trưởng ổn định mảng thức ăn chăn nuôi, gia cầm và heo; tiếp tục giữ vững thành quả của năm 2019 đối với lĩnh vực bất động sản và công nghiệp khác bao gồm nội thất, điện lạnh.
Thanh Nga (TH)/ Sở hữu trí tuệ