Công ty Điện lực Sơn La – Bài 1: Điệp khúc trúng thầu sát giá

Người đưa tin 14:14 23/03/2022

Trong 2 năm (2020-2021), công ty Điện lực Sơn La đã tổ chức hàng trăm gói thầu ở các hạng mục khác nhau. Khảo sát ngẫu nhiên của phóng viên cho thấy, nhiều gói thầu có giá trúng thầu sát với giá dự to

Đấu thầu là hình thức nhằm tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước và triển khai các dự án sao cho đạt hiệu quả một cách tốt nhất. Song, thời gian qua, việc đấu thầu tại một số cơ quan, địa phương khiến dư luận hoài nghi về sự công khai, minh bạch khi số tiền tiết kiệm được sau đấu thầu chẳng đáng là bao. Công ty Điện lực Sơn La là một đơn vị có những gói thầu như thế.

Nói như vậy là bởi khi rà soát ngẫu nhiên 19 gói thầu trong giai đoạn 2020 – 2021 tại công ty Điện lực Sơn La, tổng số tiền dự toán là 71.551.038.280 đồng, tổng giá trúng thầu là 70.621.526.445 đồng, tiền tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước chỉ 929.511.835 đồng, tỉ lệ tiết kiệm chỉ 1,30%.

Thống kê các gói thầu có giá trúng thầu sát với giá dự toán tại công ty Điện lực Sơn La.

Đơn cử, ngày 13/12/2021, ông Trần Duy Trinh - Giám đốc công ty Điện lực Sơn La đã phê duyệt cho liên danh công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Đức Lợi (số 301 Lê Đức Thọ, tổ 14, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) và công ty TNHH Một thành viên 5889 (lô 2, đường Lê Đức Thọ, tổ 14, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) trúng Gói thầu: Cung cấp vật tư và thi công xây lắp, thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu Đấu thầu tập trung các công trình theo Quyết định số 2118/QĐ- EVNNPC ngày 26/8/2021 – Đợt 1. Gói thầu này có giá 6.802.367.000 đồng và giá dự toán là 6.838.462.181 đồng nên tỉ lệ tiết kiệm chỉ đạt 0,53%.

Ông Trịnh Duy Trinh cũng là người ký phê duyệt gói thầu Cung cấp, vận chuyển thiết bị đóng cắt tại Quyết định số 1747/QĐ-PCSL ngày 21/10/2021 với giá trúng thầu 7.030.954.700 đồng, số tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 83.891.300 đồng, tương đương 1,18%. Gói thầu này công ty Cổ phần kỹ thuật công nghệ Thiên Việt (Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) là đơn vị trúng thầu.

Ngày 26/4/2021, công ty Cổ phần công nghệ và năng lượng Quang Trung (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) trúng gói thầu Cung cấp và lắp đặt hệ thống hạ tầng CNTT tại công ty Điện lực Sơn La với giá trúng thầu là 3.390.769.000 đồng. Đây cùng là một gói thầu do ông Trần Duy Trinh ký.

Trước đó, ngày 6/1/2021, Giám đốc công ty Điện lực Sơn La Cầm Văn Giáo (ông Giáo làm Giám đốc từ 20/4/2016 đến 31/3/2021) đã phê duyệt cho công ty TNHH xây dựng công nghiệp K28 và công ty cổ phần phát triển LQ trúng Gói thầu: Cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây lắp công trình Cải tạo, CQT đường dây và các trạm biến áp huyện Mai Sơn, Yên Châu bổ sung năm 2020 với mức giá 10.469.112.460 đồng. So với giá dự toán 10.531.500.788 đồng thì tỉ lệ tiết kiệm là 0,59%.

Quyết định số 308/QĐ-PCSL.

Việc tính tỉ lệ tiết kiệm nêu trên dựa trên những con số giá dự toán, giá trị trúng thầu được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cũng như các văn bản quyết định có dấu đỏ của đơn vị phê duyệt.

Liên quan đến thực trạng trên, luật sư Dương Văn Phúc (công ty Luật TNHH MTV FDVN) nhận định: “Theo quy định tại luật Đấu thầu và các văn bản có liên quan, không có quy định nào bắt buộc tỉ lệ tiết kiệm phải nằm trong một hạn mức nhất định, thậm chí tỉ lệ tiết kiệm bằng 0 thì cũng không vi phạm bởi pháp luật không điều chỉnh. Theo nguyên tắc xác định giá thấp nhất đối với các trường hợp đấu thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất, thì đương nhiên nhà thầu nào đưa ra giá thấp nhất trong số các nhà thầu đủ điều kiện sẽ được lựa chọn.

Tuy nhiên, hiện tượng có quá nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, một số gói thầu có tỉ lệ bằng 0 hay một số nhà thầu “quen mặt” với bên mời thầu rất có khả năng có các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Việc đấu thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ gây thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước”.

Còn theo luật sư Mai Quốc Việt (đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng): “Hiện tượng có quá nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, rất có khả năng có các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu.

Nếu việc đấu thầu được tổ chức một cách khách quan, minh bạch, đúng quy định của pháp luật nhưng tỉ lệ tiết kiệm thấp thì không sao. Tuy nhiên, nếu việc tiết kiệm thấp, hiệu quả kinh tế không cao do phát sinh từ việc vi phạm trong hoạt động đấu thầu thì đây là hành động cần đáng lên án và phải bị xử lý nặng.

Những gói thầu do công ty Điện lực Sơn La làm chủ đầu tư đang bộc lộ nhiều điểm bất thường về tính hiệu quả trong việc đảm bảo tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước; sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà thầu.

Thêm nữa, qua rà soát, phóng viên còn nhận thấy có nhiều gói thầu mà trang thiết bị được mua sắm có giá thành cao hơn nhiều so với thị trường, chênh lệch giá hàng tỷ đồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo.

Link gốc : https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-ty-dien-luc-son-la-bai-1-diep-khuc-trung-thau-sat-gia-a531909.html

Bạn đang đọc bài viết Công ty Điện lực Sơn La – Bài 1: Điệp khúc trúng thầu sát giá tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Pháp luật
Tin tức mới nhất