Những 'con nợ' trăm, nghìn tỷ của BIDV đang hoạt động ra sao?

DTVN 13:38 01/04/2020

Đây là các công ty có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu ...

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Bộ Công an đề cập trong bản kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Theo cơ quan điều tra, đây là các công ty có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu; quá trình cho vay BIDV có nhiều sai phạm, nhưng hiện tại BIDV vẫn đôn đốc thu hồi nợ và xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.

Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Tổng hợp Dầu khí (PVTex)

Năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thành lập Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Tổng hợp Dầu khí (PVTex).

Năm 2008, HĐQT PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ tại Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng trong bối cảnh chủ đầu tư chỉ có 30% vốn, còn lại toàn bộ đều đi vay.

Sau khi hoàn thành các hạng mục dự án, tháng 7/2011, nhà máy cho chạy thử được công bố là thành công nhưng sau đó vẫn không thể vận hành thương mại. Hàng chục đợt chạy thử tiếp theo, cho ra lò hàng chục ngàn tấn sản phẩm vẫn không đạt chất lượng nên Vinatex không tiêu thụ. Lúc này PVTex nhìn nhận các sản phẩm của nhà máy này đã không đạt chất lượng.

Sau 5 năm giữ chức Tổng giám đốc PVTex (từ 2009 đến tháng 2/2014), ông Vũ Đình Duy bị giáng chức xuống làm Phó Tổng giám đốc vài tuần sau khi lễ ký bàn giao nghiệm thu nhà máy. Ít tháng sau, ông về làm Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, bỏ lại sau lưng dự án vận hành phập phù, đến năm 2015 phải dừng hoạt động.

Năm 2016, Bộ Công an khởi tố 5 bị can liên quan gồm ông Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTex; ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex; ông Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTEX ; ông Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX và ông Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC.KBC. Tuy nhiên trước khi vụ án được phanh phui, Vũ Đình Duy đã bỏ trốn. PVTex trở thành một trong những dự án nghìn tỉ "đắp chiếu".

CTCP Tập đoàn Khải Vy

CTCP Tập đoàn Khải Vy được vợ chồng doanh nhân Đoàn Văn Trang và Mai Thị Mai thành lập vào tháng 5/2000, tiền thân là Nhà máy Chế biến gỗ Duyên Hải. Theo giấy đăng ký kinh doanh vào cuối tháng 12/2010, công ty có vốn điều lệ là 80 tỷ đồng, do vợ chồng ông Trang nắm giữ 98,5%.

Ngoài việc mở thêm các nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, đầu tư 3 triệu USD vào lĩnh vực trồng rừng ở Đắk Nông, Tập đoàn Khải Vy cũng cụ thể hóa mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành bằng việc thành lập các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và khách sạn như: CTCP Bất động sản Khải Thịnh, CTCP Hòn Tằm Biển Nha Trang.

Cuối năm 2006, tập đoàn này tham gia góp vốn thành lập nên CTCP Hòn Tằm biển Nha Trang nhằm mục đích đầu tư phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Tằm có diện tích 114 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 42 triệu USD, với 49 bungalow và 15 căn villa.

Ngoài ra, Khải Vy đầu tư hơn 580 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm hội nghị tiệc cưới và Khách sạn MerPerle Crystal Palace tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM), quy mô bao gồm 4 phòng tiệc cưới sức chứa hơn 1.500 khách, cùng 80 phòng khách sạn chuẩn 4 sao. Trung tâm này đã được khai trương vào tháng 10/2015.

Tới năm 2017, Khải Vy ghi nhận bước tiến lớn trong lĩnh vực bất động sản khi được UBND TP. HCM chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (tại phường Phú Thuận, Quận 7, Tp. HCM). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 8.231 tỷ đồng, phát triển trên diện tích 77.354,8 m2, chia làm 2 khu thấp tầng với 120 nền biệt thự - nhà liền kề và 8 khối căn hộ cao tầng. Tuy nhiên, do những vướng mắc về mặt pháp lý mà việc cấp sổ đỏ cho dự án này gặp nhiều khó khăn.

Trong khi Khải Vy gặp khó tại dự án bất động sản "khủng", vào ngày 24/10/2019, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài đã có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá nhiều tài sản có liên quan đến tập đoàn này.

Cụ thể, BIDV sẽ tiến hành rao bán quyền sử dụng đất và tài sản, máy móc thiết bị gắn liền với Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Crystal Palace ở mức giá khởi điểm là 466,44 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gần 8,75 triệu cổ phần tại CTCP Hòn Tằm biển Nha Trang cũng được đem rao bán với mức giá khởi điểm là 163,78 tỷ đồng.

CTCP Thuận Thảo – Nam Sài Gòn

CTCP Thuận Thảo – Nam Sài Gòn là cái tên quen thuộc trong danh sách "con nợ" khó đòi của BIDV khi nhiều lần bị nhà băng này rao bán tài sản đảm bảo.

Thuận Thảo – Nam Sài Gòn được thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản sau "đại thắng" trong vận tải hành khách. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng công trình dân dụng. Sau gần 10 năm hoạt động, công ty được UBND TP.HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn.

Thuận Thảo – Nam Sài Gòn thuộc Thuận Thảo Group - tập đoàn gắn liền với tên tuổi nữ đại giá Phú Yên bà Võ Thị Thanh với nhiều dự án bất động sản "khủng" như: Trung tâm hội nghị - triển lãm - dịch vụ du lịch Thuận Thảo và siêu thị Thuận Thảo, Resort & Spa Golden Beach và Khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land hay Khách sạn 5 sao Cendeluxe và Nhà hát Sao Mai. Tuy nhiên, đến năm 2011, hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp của "Bông hồng vàng Phú Yên" bắt đầu sa sút, từ năm 2014 đến nay chìm trong thua lỗ.

CTCP Tiến Phước & 990

CTCP Tiến Phước & 990 là chủ đầu tư tổ hợp khách sạn và cao ốc văn phòng Le Meridien Saigon có vị trí đắc địa tại 3C Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Công trình có vốn đầu tư 120 triệu USD, khởi công vào cuối năm 2010 và hoàn thành hai năm sau đó.

Dự án nổi danh Sài Thành được biết đến nhiều với sự hợp tác giữa Tiến Phước Group - tập đoàn bất động sản của gia đình doanh nhân Nguyễn Thành Lập và Công ty 990 của Công an TP.HCM. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , Công ty 990 khoảng năm 2015-2016 đã chuyển nhượng 27% vốn trong liên doanh cho bà Nguyễn Thị Mỹ Phương - con gái thứ ba của vợ chồng Chủ tịch Tiến Phước.

Sau khi doanh nghiệp ngành công an thoái lui, Tiến Phước & 990 tăng mạnh vốn từ 350 tỷ đồng lên 1.438 tỷ đồng hiện nay. Cơ cấu cổ đông qua nhiều lần thay đổi, hiện ổn định là CTCP BĐS Tiến Phước (49,805%), bà Nguyễn Thị Mỹ Phương (9,193%), bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (0,049%), và 40,953% còn lại thuộc về Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI - một pháp nhân dù không có quan hệ sở hữu trực tiếp với nhà ông Nguyễn Thành Lập, song cũng là một thành viên trong hệ sinh thái Tiến Phước Group.

Được đề cập trong nhiều bài viết trên báo chí gần đây, Tiến Phước Group có dấu hiệu khá căng thẳng về dòng tiền, khi vay tới 2.600 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong hai năm đổ lại. Trong đó có trường hợp công ty con vốn chỉ 20 tỷ song huy động tới 1.023 tỷ đồng, với tỷ lệ 51 lần qua phương thức này.

Một thông tin không mấy tích cực khác đến với doanh nghiệp của ông Nguyễn Thành Lập là UBND TP.HCM cách đây ít tuần đã chỉ đạo thu hồi 14,8ha đất thanh toán cho dự án BT Đầu tư xây dựng đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua Khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành Đai 2. Chủ đầu tư dự án là liên danh Công ty TNHHH Nam Rạch Chiếc và CTCP BĐS Tiến Phước.

Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Những 'con nợ' trăm, nghìn tỷ của BIDV đang hoạt động ra sao? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất