Trước tình hình dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, TP HCM, Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước buộc phải giãn cách xã hội. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp không nên quá trông chờ vào các giải pháp hỗ trợ; đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để chung sống an toàn với dịch.
|
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những “làn sóng” lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
“Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin về việc đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường, đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch Covid-19”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cũng cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng, hiệu quả đi đôi với an toàn. Bên cạnh đó, tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.
Đánh giá cao triển vọng chuyển đổi số của Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), nhận định, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng điểm sáng là hạ tầng kinh tế số của chúng ta phát triển khá nhanh, đạt được trình độ tương đương với các quốc gia thuộc tốp đầu trong khu vực. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông cũng đang phát triển rất mạnh mẽ và cũng thuộc nhóm thu hút được đầu tư. Đây chính là nền tảng của ngành kinh tế số.
“Điều đáng mừng là các cơ quan từ Chính phủ đến bộ ngành, địa phương, trong đó có các đơn vị làm công nghệ khá mạnh như ngành ngân hàng, tài chính (thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm…) đang là những cơ quan đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu, tích cực chuyển sang hoạt động trên nền tảng công nghệ số được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc: “Vấn đề bây giờ là thay đổi nhận thức để mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp tìm cách bước vào nền kinh tế số một cách thiết thực nhất và hiệu quả nhất. Nhìn vào bức tranh kinh tế và thực tế sự chuyển đổi của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, có thể tin tưởng những mục tiêu nói trên là khả thi”.
Tại cuộc họp về phòng chống dịch Covid-19 ngày 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là quan trọng, thường xuyên". Không thể phong tỏa mãi. Đã đến lúc tính đến việc chung sống với Covid-19 một cách vừa an toàn vừa phát triển kinh tế và các hoạt động xã hội khác.