Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) vừa thông báo đã nhận được công văn của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến việc kiến nghị nộp ngân sách Nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016 của Sabeco.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã bỏ kiến nghị “Sabeco phải nộp ngân sách Nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016 là gần 2.495,5 tỷ đồng” tại Báo cáo kiểm toán tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước năm 2016 của Sabeco.
Do đó, Sabeco không phải nộp ngân sách Nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối gần 2.500 tỷ đồng như kiến nghị trước đó. Kiến nghị này được đưa ra vào hồi tháng 2/2018.
Tại thời điểm đó, khi thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của Sabeco, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Sabeco nộp về ngân sách nhà nước trên 2.495 tỷ đồng. Đây là khoản lợi nhuận chia cho cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận từ 2016 trở về trước.
|
Sabeco được 'xóa nợ' gần 2.500 tỷ đồng |
Khi đó, Kiểm toán Nhà nước khu vực IV (đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của Sabeco) khẳng định, Bộ Công Thương và Sabeco đã không thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm theo Nghị định 99/2012, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước trước thời điểm thoái vốn ngày 27/12/2017.
Đến tháng 3/2018, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ rà soát, làm rõ các nội dung báo cáo các cấp có thẩm quyền. Thậm chí, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sabeco thực hiện việc tạm nộp 2.495 tỷ đồng vào ngân sách theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, sau khi nhận được kiến nghị này, Hội đồng quản trị Sabeco đã có kiến nghị về việc xem xét lại kết luận đã ban hành của Kiểm toán Nhà nước. Sabeco cho rằng về khoản lợi nhuận 2.495 tỷ đồng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị phải nộp về ngân sách là không hợp lý.
Sabeco giải thích, Nhà nước đã thực hiện thoái vốn 53,59% cho cổ đông lớn nhất, là Thai Bev mà đại diện là Công ty TNHH Vietnam Beverage, với giá trị gần 5 tỷ USD ngày 18/12/2017. Vì vậy, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Sabeco tại thời điểm 28/12/2017 chỉ còn hơn 36%.
“Do vậy việc phân chia hết lợi nhuận đến ngày 31/12/2016 cho cổ đông Nhà nước với tỷ lệ 89,5% theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì doanh nghiệp không có cơ sở để thực hiện ngay, mà phải chốt danh sách cổ đông theo quy định luật pháp hiện hành.
Việc yêu cầu Sabeco phải nộp ngân sách 2.495 tỷ đồng là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp và điều lệ của Sabeco, cũng như các văn bản pháp luật khác”, Sabeco nêu quan điểm dựa trên Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Sau thời gian xem xét, Kiểm toán Nhà nước đã chính thức bỏ kiến nghị “Sabeco phải nộp ngân sách nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2016 là gần 2.495,5 tỷ đồng” như kiến nghị trước đó.
|
Tuy nhiên, tổng nợ của Sabeco vẫn đang ở mức 5.797 tỷ đồng (tính đến 30/9/2019) |
Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng năm 2019, Sabeco ghi nhận doanh thu 28.322 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng 4.279 tỷ đồng, lần lượt tăng 10,5% và 23% so với 9 tháng đầu năm 2018.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của Sabeco tăng gần 11%, lên con số 24.777 tỷ đồng. Sabeco chỉ vay nợ tài chính ngắn hạn 508 tỷ đồng và không vay nợ tài chính dài hạn. Hiện Sabeco vẫn còn hơn 2.485 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác, trong đó phải trích lập dự phòng tới 356 tỷ đồng.
Cũng tại thời điểm ngày 30/9/2019, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Sabeco vào khoảng 14.793 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với đầu năm, chiếm gần 60% tổng tài sản doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nợ phải trả của Sabeco đang ở mức 5.797 tỷ đồng (nợ ngắn hạn 5.492 tỷ đồng, nợ dài hạn 305 tỷ đồng), vốn chủ 18.981 tỷ đồng.
Được biết, tại Sabeco chỉ có 2 cổ đông chính là: Công ty TNHH MTV Vietnam Beverage nắm 53,59% (nắm giữ quyền chi phối) và Bộ Công thương đại diện vốn Nhà nước nắm 36% vốn điều lệ, các cổ đông khác nắm 10,41%.
Ở một diễn biến khác về việc từng có thông tin Sabeco sẽ được sở hữu bởi các chủ đầu tư Trung Quốc, thì tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra hồi đầu tháng 10/2019, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đã phủ nhận thông tin này.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ