Hàng trăm xe thương binh đã kéo đến tụ tập kín cổng nhà máy bia Hà Nội (Habeco) gây ùn tắc giao thông ở đoạn đường số 183 Hoàng Hoa Thám, TP Hà Nội. Sự việc này xuất phát từ thông báo của Habeco ngừng cung cấp bã bia cho HTX thương binh nặng 27/7.
Từ sáng ngày 19/12, một số xe thương binh đã tụ tập tại trụ sở của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) tại địa chỉ số 183 phố Hoàng Hoa Thám. Đoàn xe thương binh còn căng biểu ngữ “Tổng công ty HABECO trả lại quyền lợi chính đáng cho HTX thương binh nặng 27/7” và đỗ hàng dài án ngữ trước cổng chính công ty, gây cản trở những xe khác ra vào. Việc lưu thông của các phương tiện giao thông trên đường Hoàng Hoa Thám cũng bị ảnh hưởng, tắc nghẽn trong thời gian này.
Đến hôm nay 20/12, đoàn xe thương binh vẫn tiếp tục xếp hàng dài chặn lối vào cổng nhà máy bia Habeco để đòi quyền lợi. Số lượng xe thương binh có mặt trước cổng Habeco sáng nay còn đông hơn những ngày trước.
|
Đoàn xe thương binh “quây” kín cổng Nhà máy bia Hà Nội để phản đối việc Habeco cắt hợp đồng cung cấp bã bia. |
Công an quận Ba Đình cũng đã có mặt trực tiếp tại khu vực này để nắm tình hình và giải quyết sự việc, đảm bảo an ninh trật tự.
Sự việc đoàn xe thương binh “quây” trụ sở Habeco này xuất phát từ một thông báo chấm dứt cung cấp phế phẩm bã bia cho HTX thương binh 27/7 và công nợ giữa hai bên chưa xử lý dứt điểm.
Liên quan đến sự việc này, Habeco cho biết, công ty đã có thoả thuận cung cấp phế phẩm bã bia cho HTX Thương binh 27/7 từ đầu năm 2019.
Theo thoả thuận tại khoản 11.1 Điều 11 của hợp đồng mua bán số 01B/Habeco-HTX27/7 ngày 4/1/2019 ký giữa Habeco và HTX Thương binh 27/7, hợp đồng này có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/12/2019.
Do đó, ngày 17/12, Habeco đã làm việc với đại diện HTX Thương bình 27/7 để thông báo về việc sẽ kết thúc hợp đồng vào ngày 31/12/2019.
Tại cuộc họp này, Habeco cũng đã cung cấp thông tin đối chiếu việc thực hiện hợp đồng, trong đó ghi nhận số công nợ của HTX Thương binh 27/7 chưa thanh toán cho Habeco. Số nợ tính đến thời điểm ngày 31/12/2019 là hơn 1,32 tỉ đồng.
|
Một hàng rào sắt được chắn ngay trước cổng trụ sở Habeco. |
Hơn nữa, phía Habeco giải thích, phương thức sản xuất cho ra loại bã bia ướt như hiện tại đã không còn phù hợp, và nhằm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Habeco đã đầu tư áp dụng công nghệ mới cho ra loại bã bia khô, thân thiện với môi trường. Do đó, công ty sẽ ngừng cung cấp bã bia ướt cho HTX Thương bình 27/7.
Về kết quả kinh doanh, trong vài năm trở lại đây, lợi nhuận của Habeco liên tục đi xuống bất chấp doanh thu vẫn tăng trưởng cao. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt mức cao nhất là 1.443 tỉ đồng nhưng sau đó liên tục đi xuống, chỉ đạt 869 tỉ đồng và 667 tỉ đồng trong năm 2017 – 2018.
Hoạt động kinh doanh có xu hướng đi ngang trong khi các khoản chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí bán hàng, tăng rất mạnh so với năm 2017… đã làm giảm mạnh lợi nhuận. Lợi nhuận trong 4 năm liên tiếp của Habeco bị sụt giảm tới 60% so với mức đỉnh cao nhất của năm 2014.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Habeco ghi nhận tổng doanh thu 6.670 tỉ đồng, giảm nhẹ 1,6%; lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỉ đồng và lãi sau thuế 472,3 tỉ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Riêng quý 3/2019, doanh thu thuần của Habeco đạt 2.675 tỉ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế là 206 tỉ đồng. Giá vốn hàng bán chỉ tăng nhẹ 3,2% giúp lãi gộp quý 3 của Habeco đạt 789 tỉ đồng, tăng 29%.
Doanh thu tài chính tăng 58% lên 54 tỉ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi (do có hơn 4.027 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng) và cho vay, cùng với khoản lợi nhuận khác đột biến là gần 65 tỷ đồng, gấp 8,3 lần cùng kỳ năm trước.
Thế nhưng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 26% lên 117,4 tỉ đồng; chi phí bán hàng tăng 84% so với cùng kỳ lên 576 tỉ đồng, chủ yếu do tăng chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ (tăng 253 tỉ đồng lên 421 tỉ đồng). Các khoản chi phí “phình to” là nguyên nhân kéo giảm lợi nhuận của Habeco trong suốt nhiều năm qua.
Kết quả kinh doanh lao dốc của Habeco đang đi ngược với xu hướng tăng trưởng chung của ngành bia khi người Việt vẫn nằm trong danh sách uống bia nhiều nhất thế giới, tiêu thụ gần 45 lít bia trong năm 2017, tăng gấp rưỡi so với cách đó 2 năm. Đáng chú ý, phân khúc bia giá rẻ vốn là lợi thế của Habeco ngày càng thu hẹp, giảm xuống 8% thị phần, trong khi đó, công ty lại khó cạnh tranh ở phân khúc cao cấp.
Theo Hải Nam/Kinh tế Môi trường