|
Những phiến gỗ Pơ mu đã được xẻ sẵn |
Tuy nhiên, những năm gần đây KBT loài và sinh cảnh Mù Cang Chải bị xâm hại nặng nề, nhiều loài sinh vật cảnh và thảm thực vật rừng có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt hơn nhiều loại gỗ quý hiếm như Pơ mu, Gù hương, Bách xanh... bị chặt hạ không thương tiếc, khiến môi trường rừng bị hủy hoại nghiêm trọng và có cơ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân địa phương.
Rừng KBT bị chặt phá "không thương tiếc"
Theo đó, thời gian gần đây Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được thông tin của người dân tại xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) về việc những năm trở lại đây tại Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải, người dân địa phương và nhiều đối tượng lạ mặt thường xuyên vào rừng khai thác các loại gỗ quý hiếm nhưng không bị xử lý.
Cụ thể theo phản ánh của người dân, tại khu vực thôn Nả Háng giáp Nậm Khắt có tổng 11 cây gỗ Pơ mu bị chặt hạ với khối lượng ước chừng 100 m3 gỗ. Một địa điểm khác, cũng tại Khu bảo tồn nhưng giáp ranh với khu vực thủy điện Nả Háng có gần 20 cây gỗ Pơ mu bị chặt hạ ước tính khối lượng gần 200 m3. Cùng một số loài gỗ khác cũng bị chặt hạ, ước lượng toàn bộ số gỗ bị chặt hạ tại khu bảo tồn gần 400 m3.
Để có thông tin chính xác hơn, nhóm PV đã có gần 4 tháng để xác minh thông tin phản ánh, ghi nhận thực trạng trên.
|
Những cây gỗ vẫn còn ngổn ngang trong rừng |
Theo đó, đặc thù miền núi cao địa hình hiểm trở muốn tiếp cận đến các địa điểm khai thác, nếu quen đường cũng phải đi bộ mất một ngày. Do không thông thuộc địa hình, thời điểm cuối tháng 5/2020 PV nhờ một người dân tên A Páo (đã đổi tên-PV) thông thuộc địa bàn xã Chế Tạo và KBT để đi nhanh và đỡ mất nhiều thời gian.
Xuất phát từ trung tâm xã Nậm Khắt, đi được một ngày đường cuối cùng cũng tiếp cận được địa điểm khu Nả Háng giáp với thôn Nậm Khắt. Tại đây, hàng loạt cây Pơ mu bị chặt phá nằm la liệt, đường kính ước chừng hơn 1m, dài gần 20m. Không những thế, những cây gỗ to được xẻ thành khối hộp để tiện vận chuyển ra khỏi khu rừng.
Lần sâu vào Khu bảo tồn, nhiều gốc cây gỗ to bị chặt hạ, mùn cưa vẫn còn mới, ước chừng khoảng tháng 4, 5/2020.
Hiện trường vụ phá rừng trong khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải.
Ghi nhận địa điểm gần thủy điện Nả Háng, tình trạng chặt hạ gỗ quý xảy ra tương tự, nhưng mức độ thiệt hại nhiều hơn, đếm những gốc bị chặt trước đó và hiện tại lên đến con số trên 20 gốc bị đốn hạ. Các phiến gỗ hầu hết được xẻ hộp có kích thước dài từ 1 - 3 m, dày 10 - 30 cm. Những cây bị chặt hạ không nằm cạnh nhau, mà rải rác cách nhau tầm 3-4 km.
Đáng nói, khu vực bị khai thác gỗ có Ban quản lý Khu bảo tồn và lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên thật khó hiểu vì sao lại để xảy ra việc những cây gỗ to bị chặt hạ một cách dễ dàng và lại được xẻ thành gỗ hộp một cách dễ dàng như vậy?
Có hay không Chủ tịch huyện Mù Cang Chải "bao che" sai phạm?
Sau nhiều tháng ghi nhận, vào đầu tháng 10/2020, PV tiếp tục trở lại hiện trường và vẫn ghi nhận tình trạng phá rừng. Tại đây, PV tiếp tục ghi nhận có nhiều cây Pơ mu bị chặt hạ.
|
Những cây bị chặt hạ không nằm cạnh nhau, mà rải rác từng đoạn. |
Ngày 14/10, PV đã có buổi làm việc với ông Vàng A Chống - Chủ tịch UBND xã Chế Tạo. Ông Chống xác nhận, có tình trạng chặt phá rừng xảy ra, đa số toàn dân ở Nậm Khắt vào.
"Đa số địa điểm cây bị chặt hạ nằm trên địa bàn xã. Nơi đó là hai điểm giáp ranh giữa Nả Háng với Nậm Khắt, bị chặt hơn 10 cây và gần thủy điện Nả Háng 17 cây Pơ mu cùng một số loại cây khác. Phát hiện vào khoảng cuối tháng hai và tháng ba, nhưng vượt quá thẩm quyền của xã nên xã đã báo cáo huyện", ông Chống cho biết.
PV đề cập đến báo cáo, biên bản kiểm tra và kê khai thiệt hại, vị này nghiễm nhiên đùn đẩy: "Báo cáo đa số bên kiểm lâm họ làm, xã không lưu lại. Toàn bộ đã chuyển cho bên kiểm lâm và gửi lên huyện. Biên bản kiểm tra, có lập nhưng ông Hùng - Phó ban Kiểm tra huyện ủy vào đã thu hết rồi...".
Cũng tại buổi làm việc, PV đề nghị lãnh đạo UBND xã Chế Tạo đi cùng PV, kiểm lâm địa bàn và công an đi vào những địa điểm cây bị chặt phá. Tuy nhiên vị chủ tịch này từ chối khéo: "Công an toàn là người mới không thông thuộc địa bàn, phía kiểm lâm gọi nhưng họ báo bận, đi xa lắm không ai đưa đi được, phải mất một ngày mới đến".
Ngồi một lúc, ông Chống lấy lý do đi ra ngoài "sắp xếp" nhân sự đưa PV vào hiện trường. Tuy nhiên, khoảng gần 30 phút sau, vị chủ tịch xã đi vào cho biết: "Tôi vừa gọi cho Chủ tịch huyện và Chủ tịch huyện nói không cho đưa đi, vụ việc đang trong quá trình điều tra mong thông cảm".
Chiều ngày 15/10, PV có buổi làm việc với ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải. Tại buổi làm việc, ông Khang cũng thừa nhận có tình trạng chặt phá rừng xảy ra. "Vụ việc đang trong quá trình điều tra, không thể cung cấp thông tin, khi nào có kết quả sẽ thông tin tới báo chí sau", ông Khang nói.
|
Ước lượng toàn bộ số gỗ bị chặt hạ tại khu bảo tồn gần 400 m3 |
Mặt khác, xác nhận với PV, ông Dương Anh Tuấn - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết, việc chặt phá rừng xảy ra trong khoảng thời gian tháng 6 - 7/2020. Hạt kiểm lâm đã tham mưu cho huyện kịp thời kiểm tra. Huyện có báo cáo trực tiếp với thường trực Tỉnh ủy. Lực lượng kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với công an huyện và tỉnh đi tuyên truyền những người dân vào chặt hạ, đa số là bản Tà Dông và Nả Háng yêu cầu các hộ cam kết không chặt phá rừng.
Khi PV đề nghị cung cấp một số giấy tờ liên quan đến vụ việc, ông Tuấn nnói rằng, sự việc đang trong quá trình điều tra không thể cung cấp. Hạt đã báo cáo Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện, muốn cung cấp thì phải xin ý kiến Chủ tịch huyện. Huyện ủy đã ra quyết định khiển trách và kiểm điểm các cá nhân liên quan rồi.
"Theo nghị định mới, để xảy ra tình tranh chặt phá rừng chính quyền địa phương phải là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên, lực lượng kiểm lâm chỉ cần tham mưu. Thời gian gần đây, nhiều thủy điện được tỉnh phê duyệt, công ty làm đường để vận chuyển trang thiết bị, máy móc phục vụ họ làm đường tạo điều kiện cho lâm tặc, người dân dễ vận chuyển", vị Hạt trưởng né tránh.
Dư luận đặt câu hỏi, trước thực trạng này, trách nhiệm của người đứng đầu UBND huyện Mù Căng Chải, UBND tỉnh Yên Bái ở đâu?
Theo kinh tế môi trường