|
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo, những dự án không thể phục hồi thì kiên quyết cho phá sản, giải thể |
Tham dự Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty có liên quan.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo bàn về tình hình, tiến độ xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương để từ đó đánh giá, xác định rõ các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp với từng dự án, doanh nghiệp trong năm 2020.
Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thẳng thắn làm rõ các vấn đề lớn như những kết quả cụ thể, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay của từng dự án, doanh nghiệp và giải pháp tháo gỡ, nhất là các vấn đề vướng mắc pháp lý về tổng thầu EPC và giải pháp về tài chính, tín dụng.
Về hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 1468, tuy nhiên, qua báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số phương án đã hoàn thành hướng xử lý bước đầu nhưng bước triển khai tiếp theo không còn phù hợp và khả thi, một số phương án đưa ra nhiều lựa chọn thực hiện tùy theo tình hình nên chưa xác định tiến độ, thời hạn xử lý, đến nay cần quyết định phương án để xử lý dứt điểm.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nghiên cứu, tham gia quá trình tái cơ cấu các dự án yếu kém trên theo đúng vai trò, chức năng của DATC. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để DATC tham gia tái cơ cấu các dự án, DN theo quy định của pháp luật, cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho nhà nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo định hướng cơ quan báo chí vê công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình, kết quả xử lý các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Phó Thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý vi phạm theo đề án và kế hoạch của Ban chỉ đạo, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định tại đề án. Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành kiểm toán theo nhiệm vụ của mình.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét các giải pháp cơ cấu nợ để tiếp tục đồng hành cùng DN, chủ đầu tư; phối hợp các tập đoàn, tổng công ty và DATC để cùng xây dựng phương án tái cơ cấu có tính khả thi, bảo đảm khả năng trả nợ các ngân hàng.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp đầy đủ ý kiến tại phiên họp này, kết luận của trưởng Ban chỉ đạo để khẩn trương hoàn thiện báo cáo về tình hình tiến độ xử lý 12 dự án, hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4-2020, báo cáo Chính phủ thông qua trước khi trình Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư.
Xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương (Nguồn video: VTC Now)
Theo Báo Đầu tư