Theo phản ánh, sáng ngày 16/4, nhóm PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có mặt và ghi lại hàng chục xe tải, xe ben gắn logo KT; XT; LT và Thành Khang chở đầy đất đắp cao thành thùng, ngang nhiên nối đuôi nhau chạy gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường, phá nát đường dân sinh.
Tình trạng này được người dân cho biết đã diễn ra nhiều năm nay mà không được xử lý. Nhất là thời điểm này, lợi dụng chính quyền địa phương đang gồng mình tập trung phòng, chống dịch Covid-19 để khai thác trộm đất rầm rộ với khối lượng lớn phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và Thị Xã Hoàng Mai.
|
Hàng chục xe tải, xe ben gắn logo KT; XT; LT và Thành Khang chở đầy đất đắp cao thành thùng, ngang nhiên nối đuôi nhau chạy gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường, phá nát đường dân sinh. |
Địa điểm khai thác đất trái phép là khu vực giáp danh giữa hai mỏ đá, (Mỏ đá Hồ Hoàn Cầu và Mỏ đá Văn Sơn thuộc xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) toàn bộ diện tích đất bị múc bán đang là loại đất rừng sản xuất.
Do địa bàn sâu, hơn nữa lại nằm xa khu dân cư nên đất tặc đã lợi dụng khai thác từ nhiều năm nay. Ghi nhận tại khu khai thác thì việc vận chuyển được chia thành hai lối đi, một lối đi về mỏ đá Văn Sơn phía đường bê tông liên thôn xã Quỳnh Văn. Lối đi còn lại ra phía mỏ đá Hoàn Cầu và đi về đường Quốc lộ 48B thuộc xã Quỳnh Tân và Quỳnh Xuân rồi ra QL.1A.
Trong thời gian khoảng 30 phút khi PV có mặt tại điểm múc đất đã có hàng chục xe tải có trọng tải lớn di chuyển ra vào chở đất đem đến các công trình đổ như: Nhà máy chế biết gỗ Tuấn Ngọc ở xã Quỳnh Hậu, dự án nâng cấp đê của do Sở nông nghiệp làm chủ đầu tư tại xã Quỳnh Hưng, dự án nâng cấp đê chống mặn tại xã Quỳnh Liên giáp Quỳnh Bảng.
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, một xe đất có giá giao động từ 500.000 -1.000.000 đồng, tùy xe to nhỏ, đây là nguồn thu lợi bất chính không hề nhỏ đối với nguồn tài nguyên của đất nước.
|
Khung cảnh hoang tàn của các khu đồi sau nhiều năm diễn ra nạn khai thác đất trái phép mà chính quyền địa phương sở tại không hề có động thái gì? |
Đại diện của chủ xe mang logo KT cho biết, chúng tôi mua đất từ mỏ đá Hoàn Cầu. Về phía mỏ đá Hoàn Cầu thì khăng khăng là không bán đất cho bất cứ đơn vị nào.
“Số xe chở đất trên đi qua cồng mỏ đá là họ đi nhờ vì lối đi bên kia quá tải. Còn họ lấy đất ở là mỏ đá bên kia, tôi không quan tâm…”, chủ xe thông tin thêm.
Chiều 16/4 PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Lê Văn Ba - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) để thông báo sự việc thì được ông Ba cho biết: “Số đất đó là của mỏ đá Hồ Hoàn Cầu được lấy từ những khu đất nằm giữa lèn đá, “gọi là đất phong hóa”, chứ không phải ngoài khu vực lèn”.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV thì toàn bộ khu đất đó nằm ngoài khu vực mỏ đá của hai mỏ nói trên và đã bị đất tặc múc sâu hàng chục mét trông như bãi chiến trường. Được biết mỏ đá Hồ Hoàn Cầu SGP 655, được UBND tỉnh cấp ngày 04/3/2009, diện tích mỏ 5.18 ha, đất ngoài mỏ 25.000m2, trử lượng 630.315m3, công suất 94.500m3/năm.
Mỏ đá văn Sơn SGP 2516, được UBND tỉnh cấp ngày 30/6/2011, diện tích 10.3ha, đất ngoài mỏ 9.968m2, thời gian là 30 năm, trữ lượng 3.071.050m3, công suất 110.000m3/năm. Nhưng hiện tại các mỏ này đã khai thác vượt quá mốc cắm và diện tích được giao lên đến hàng chục ha, còn khu vực đất tặc khai thác là hoàn toàn nằm ngoài hành lang của các mỏ.
|
Xe gắn logo KT chở đất chất cao thành thùng đi ra từ cổng mỏ đá Hồ Hoàn Cầu gây bụi mù mịt. |
Trước thực trang trên, dư luận đặt câu hỏi. Tại sao việc khai thác đất trái phép diễn ra rầm rộ nhiều năm nay mà không bị xử lý? Các cơ quan chức năng huyện Quỳnh Lưu đang làm ngơ hay tạo điều kiện cho những việc làm vi pháp. Tài nguyên quốc gia đang từng ngày bị ăn cắp một cách trắng trợn mà chính quyền sở tại lại lặng thinh.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử tiếp tục thông tin!
Theo Vinh Quang - Nhật Lệ/Môi trường& Đô thị