Chiều 7/11, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến của chuyên gia về phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo Công thương, Tại hội thảo, đại diện Công ty Subana Jurong (Singapore) – đơn vị tư vấn lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã trình bày phương án về xây dựng cảng biển trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch.
Theo đó, đơn vị này đưa ra 2 đề xuất tiếp tục xây dựng cảng Liên Chiểu và dừng xây dựng cảng Liên Chiểu mà chỉ mở rộng cảng Tiên Sa hiện có.
|
Các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng phải tính toán kỹ để không bỏ lỡ cơ hội phát triển cảng biển |
Theo đơn vị tư vấn, nếu chọn phương án xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ ảnh hưởng đến môi trường vịnh Đà Nẵng, việc các phương tiện hàng hóa, các khu hậu cần phục vụ cảng biển xuất hiện quá nhiều sẽ tác động xấu đến môi trường khu vực này.
Nếu chọn phương án mở rộng cảng Tiên Sa, dừng xây dựng cảng Liên Chiểu – phương án đơn vị tư vấn khuyến nghị nên chọn, thì có thể xem xét mở rộng cảng thông qua giải phóng mặt bằng, việc mở rộng cảng Tiên Sa cũng ít kinh phí hơn xây dựng cảng Liên Chiểu, có thể xây dựng khu cầu cảng phục vụ riêng cho từng mục đích như quốc phòng, du lịch, hàng hóa….
Còn theo đại diện TP. Yokohama (Nhật Bản) thì những dữ liệu mà đơn vị tư vấn Singapore đưa ra còn khá mờ nhạt vì vậy không có đủ căn cứ để so sánh rõ được ưu điểm, nhược điểm của 2 phương án mà đơn vị tư vấn đưa ra. Và nếu như lựa chọn phương án thì phải dựa trên nhu cầu tương lai của sử dụng cảng biển cũng như công dụng của cảng biển.
“Nhìn từ thành phố Yokohama khi xây dựng thành phố là trung tâm vận tải và du lịch Chúng tôi đã so sánh ưu nhược điểm của 2 lựa chọn này để xem ưu tiên vận tải hàng hóa nhiều hơn hay du lịch nhiều hơn”, đại diện TP. Yokohama phát biểu.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Khang – Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng – Đường thủy (Tediport) cho rằng Đà Nẵng cần tính toán kỹ để không bỏ lỡ cơ hội phát triển cảng biển. Theo ông Khang hiện cả nước mới có 2 cảng 1A là cảng Hải Phòng và cảng Vũng Tàu, Cảng Đà Nẵng là cảng duy nhất của miền Trung được quy hoạch trở thành cảng 1A (Cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế).
Như vậy đã khẳng định cảng Đà Nẵng có vị trí, vai trò và chức năng rất quan trọng, nên cần xem xét cẩn trọng ý tưởng của đơn vị tư vấn. Cảng Tiên Sa nếu muốn trở thành cảng 1A, đủ sức đón tàu 100.000 tấn thì phải tính đến vấn đề: Phải nạo vét sâu đến âm 16m, nạo vào phía bên trong; giải quyết bài toán giao thông hàng hải, giao thông nội đô, giao thông cá nhân như thế nào.
Ở góc độ quy mô nếu chọn mở rộng cảng Tiên Sa, ông Lê Tấn Đại – Phó Tổng Giám đốc công ty tư vấn CMB băn khoăn rằng việc mở rộng phạm vi 5,8km đường bờ đồng nghĩa cảng Tiên Sa sẽ “nuốt trọn” cả cùng đất quốc phòng, vùng 3 Hải quân, cả Âu thuyền Thọ Quang. Bên cạnh đó, không có quỹ đất để bố trí hậu phương sau cảng.
“Tôi cho rằng Tư vấn mới chỉ đưa ra ý tưởng để xem xét có nên triển khai tiếp ý tưởng này hay không chứ không phải đưa ra lựa chọn phương án”, ông Lê Tấn Đại nói.
|
Mô hình quy hoạch cảng Liên Chiểu đã được phê duyệt. |
Đăng tải trên Chính phủ, ông Nguyễn Minh Quý, Công ty tư vấn Japan Port ConsulHart (IPC) cho hay, không thể nào phát triển cảng biển mà chỉ dừng lại 50 triệu tấn, chỉ bằng 1/7 thành phố Yokohama và 1/10 cảng Busan hiện nay. Theo ông, để lựa chọn nên xây dựng cảng Liên Chiểu hay mở rộng cảng Tiên Sa, cần phải so sánh chi phí đầu tư, vòng đời dự án...
Bên cạnh đó, vào mùa mưa, cảng Tiên Sa phải chịu tình trạng bùn loãng nhiều, lượng sa bồi lớn. Để nâng cấp cảng lên đáp ứng tàu trọng lượng 100.000 tấn sẽ phải tốn khoản chi phí khổng lồ.
Ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho rằng, cảng Tiên Sa được xây dựng từ năm 1965, đến nay có thể coi như đã hoàn thành sứ mạng, vòng đời của mình nên việc chuyển cảng container ra Liên Chiểu là cần thiết. Ông Sia cho rằng, muốn phát triển kinh tế, phải có cơ sở logistics, vì vậy, thành phố nên khẩn trương làm cảng Liên Chiểu nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của Đà Nẵng.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng khẳng định, cảng Đà Nẵng là một cụm cảng, là cửa ngõ mang tính quốc tế. Việc phát triển cảng ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển kinh tế khu vực, cấu trúc đô thị, mạng lưới giao thông, vì vậy, đơn vị tư vấn cần đánh giá toàn diện để đưa việc phát triển cảng vào quy hoạch chung của thành phố. Phương án nào thì cũng phải đạt được mục tiêu tạo động lực kinh tế mới cho Đà Nẵng.
M.ANH/Sở Hữu Trí Tuệ