Theo thống kê của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hiệp Hòa, có đến 6 lò đang hoạt động, trong đó có 3 lò đỏ lửa.
Ngoài số gạch đang được đun đốt, toàn huyện Hiệp Hòa còn tồn 12 triệu viên phơ mộc, gần 17 triệu m3 đất nguyên liệu và 140 tấn than, nhiều nhất tỉnh. Ước tính, để giải quyết số phơ mộc còn tồn đọng, các lò tiếp tục hoạt động ít nhất đến hết năm nay.
Doanh nghiệp lo lắng
Ông Nguyễn Văn Bội, chủ lò gạch ở thôn Ngọ Khổng, xã Châu Minh (Hiệp Hòa) cho biết, để có được cơ sở như ngày hôm nay, gia đình ông và một số người thân đã góp 15 tỷ đồng đầu tư, trong đó có đến 13 tỷ đồng là đi vay, toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các gia đình đều đã đem cầm cố.
Hiện nay, cơ sở còn tồn đọng 197 vạn viên phơ, 50 vạn viên gạch thành phẩm, 2 vạn m3 đất nguyên liệu và 1,7 nghìn m3 than. “Nếu bị dừng sản xuất, chắc chắn chúng tôi sẽ phá sản và 70 lao động địa phương không còn việc làm”, ông Bội cho biết.
|
Các chủ lò gạch mong muốn được gia hạn để thu lại nguồn vốn. Ảnh BBG |
Ông Hoàng Văn Niền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Niền Năm cho biết, năm 2009, gia đình ông được UBND huyện Yên Dũng (trước đây, khu vực thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ - nơi Công ty TNHH MTV Niền Năm đang sản xuất gạch thuộc huyện Yên Dũng), chấp thuận đầu tư dự án xây dựng lò đốt gạch và nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất sử dụng gần 27 nghìn m2 và thời hạn giao, cho thuê đất đến năm 2034.
Ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang cho biết, sau khi được tuyên truyền, thông báo, hai cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng đều nhất trí với chủ trương của tỉnh và TP.
Tuy nhiên, do thời hạn được chấp thuận đầu tư và thuê đất còn dài, đầu tư ban đầu lớn, trong khi thời gian đi vào sản xuất đến nay ngắn nên khó thu hồi vốn. Các cơ sở nêu ý kiến chỉ tự nguyện dừng sản xuất gạch khi nhận được hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng và mong muốn được tạo điều kiện để hoạt động đến hết năm 2019, giải quyết nốt số phơ còn lại.
“Do có nhiều vướng mắc nên UBND TP Bắc Giang đề xuất với tỉnh và các ngành chức năng hướng dẫn cụ thể việc thu hồi hoặc điều chỉnh chấp thuận đầu tư đối với 2 cơ sở nêu trên; cho chủ trương hỗ trợ để thu hồi chấp thuận đầu tư, thuê đất, tài sản đã đầu tư trên đất và chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở”, ông Thạo cho biết.
Chủ trương của tỉnh Bắc Giang về chấm dứt hoạt động của các lò vòng là hoàn toàn đúng đắn do trong quá trình sản xuất, các lò này sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu thụ lượng nguyên vật liệu rất lớn như tài nguyên đất, than và ảnh hưởng phần nào đến môi trường.
Tuy nhiên, với việc đầu tư quá lớn vào các cơ sở sản xuất, trong khi thời hạn thuê đất, chấp thuận đầu tư của các đơn vị này vẫn còn. Vì vậy, việc tạo điều kiện đẻ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm thời gian thu lại nguồn vốn, chuyển đổi sản xuất là cần thiết. Hơn nữa việc dừng sản xuất quá vội cũng sẽ khiến hàng trăm lao động có thể sẽ "bơ vơ" trên chính mảnh đất quê hương của mình.