Kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp quý 4/2019 âm hàng chục tỷ đồng
Theo kết quả kinh doanh năm 2019, Thép Tiến Lên (TLH) đạt doanh thu 5.400 tỷ đồng, trong khi đó giá vốn hàng bán đã lên tới 5.229,5 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán chiếm đến gần 97% doanh thu, điều này khiến lợi nhuận gộp co lại thảm hại.
Lợi nhuận gộp của TLH bết bát nhất phải kể đến quý 4/2019, lúc này doanh thu thuần ghi nhận ở mức 1.585 tỷ đồng, trong khi đó, giá vốn hàng bán lại cao hơn doanh thu thuần, nó nhảy vọt lên 1.621 tỷ đồng, chiếm 102%. Điều này khiến lợi nhuận gộp vốn đã giảm đều theo các kỳ, nay lại âm hơn 36 tỷ đồng.
|
Lợi nhuận gộp 'co cụm' lại khi giá vốn hàng bán của TLH quá cao. |
Từ quý 4/2018, lợi nhuận gộp của TLH cũng đã âm 2 tỷ đồng do giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu thuần. Tại sao lại như vậy?
Có thể thấy, ngành thép Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn cực kì khó khăn. Như báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 của TLH, nguyên nhân chính khiến giá vốn tăng mạnh ngoài việc giá nguyên liệu tăng, thì một phần cũng bởi Thép Tiến Lên đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho ghi nhận vào giá vốn hàng bán.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 1,7 tỷ đồng lên 4,4 tỷ, song chi phí tài chính cũng tăng mạnh 18%, lên 27,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 15% còn 17 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 70% lên 101 tỷ đồng do chi phí dự phòng tăng.
Đáng chú ý trong quý TLH ghi nhận khoản lỗ 9,7 tỷ từ công ty liên doanh, liên kết trong khu cùng kỳ 2018 ghi nhận lãi 2,8 tỷ đồng.
Kết quả, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 172 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Đây là mức lỗ sâu nhất từ quý IV/2015. Kết quả kinh doanh của Thép Tiến Lên bắt đầu đi xuống từ năm 2017 – thời điểm ngành thép bắt đầu gặp khó khăn.
Cổ phiếu TLH bị đưa vào diện cảnh báo
Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản TLH là 3.573 tỷ đồng, tăng 25% đầu kỳ, trong đó hàng tồn kho tăng mạnh 665 tỷ đồng lên hơn 2.185 tỷ - chiếm tới 61% tổng tài sản. Nợ phải trả ghi nhận gần 2.112 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần đầu kỳ, chủ yếu do phải trả người bán tăng. Vay nợ chiếm 68% nợ phải trả, tăng hơn 400 tỷ trong năm 2019.
Hàng tồn kho là nhóm tài sản chính làm gia tăng tài sản ngắn hạn với mức tăng từ 1.520,7 tỷ đồng đầu năm lên mức 2.185,5 tỷ đồng.
Mới đây, công ty thông qua việc huy động vốn tạm thời từ các cổ đông sáng lập để bổ sung nguồn vốn lưu động. Theo đó, công ty dự kiến từ 2020 đến 2022 sẽ huy động bình quân khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm từ các cổ đông sáng lập là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Mạnh Hà và 2 thành viên HĐQT Phạm Thị Hồng và ông Nguyễn Văn Quang. Mỗi kỳ huy động tối đa không quá 6 tháng cho 1 hợp đồng. Mức lãi suất áp dụng cho kỳ huy động vốn là 0%.
Với lý do là Công ty có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 142,9 tỷ đồng trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2019. Theo đó, cổ phiếu TLH bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 18/3. Cổ phiếu TLH đóng cửa phiên hôm qua ngày 13/3 ở mức 3.100 đồng/cp.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ