Kì lạ như ACV - Doanh nghiệp khai thác hạ tầng nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền?

Mai Hương 10:19 03/01/2020

Không thể phủ nhận ACV là một DN siêu lợi nhuận. "Tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu của ACV là 40-45%, làm gì có DN nào ở VN đạt đến tỉ suất lợi nhuận như vậy?" - TS. Lương Hoài Nam đặt câu hỏi.

Lo ngại về việc gia tăng độc quyền trong lĩnh vực hàng không?

Trước đó, Bộ GTVT có báo cáo đề xuất Chính phủ giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cũng đồng thuận với đề xuất này.

Được biết, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu khách/năm do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện với vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV.

Nhà ga hành khách T3 dự kiến có công suất 20 triệu hành khách/năm, giúp giảm tải cho 2 nhà ga hiện hữu của Sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là một trong những dự án có thể thu về lợi nhuận rất cao trong lĩnh vực hạ tầng hàng. Do đó, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất rất hấp dẫn với các nhà đầu tư khác, kể cả tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước.

Bày tỏ lo ngại việc giao ACV làm nhà đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lo ngại nếu AVC đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, rồi giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 4,8 tỷ USD và sắp tới là sân bay Điện Biện thì liệu khả năng tài chính có làm được không?

Trong khi đó, nếu xét trên nhiều khía cạnh về năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính thì hiện này có nhiều nhà đầu tư tư nhân vẫn có thể đảm nhiệm được vai trò làm nhà đầu tư dự án chứ không chỉ riêng ACV.

Trao đổi với Dân Việt về câu chuyện này, TS. Nguyễn Thiện Tống, Chuyên gia hàng không cho rằng, không nhất thiết cứ phải giao ACV thì mới xây được nhà ga T3, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp tư vân có đủ năng lực làm những công trình như nhà ga T3, vậy tại sao chúng ta cứ phải chờ ACV bỏ tiền ra đầu tư mà không kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân?

"Tôi nhớ cách đây 9 năm, đã có công ty tư nhân từng đề xuất ý tưởng và đưa ra phương án xây dựng nhà ga hàng không lưỡng dụng tại Tân Sơn Nhất. Nên để ACV tập trung nguồn lực vào sân bay Long Thành, để họ tập trung làm cho tốt dự án đó. Còn T3 Tân Sơn Nhất nên kêu gọi vốn tư nhân, đấu thầu để đảm bảo khách quan, minh bạch”. TS. Nguyễn Thiện Tống nói.

Cũng về vấn đề này, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông cho biết nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất sau 4 – 5 năm loay hoay nay đã giao cho ACV – DNNN thực hiện. Theo ông, nhà ga T3, nếu giao cho tư nhân làm thì đã có thể đi vào vận hành từ lâu, thay vì "4-5 năm nay vẫn chưa động thổ".

Hơn nữa, ACV đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không trong nước và được đánh giá là nhà đầu tư dàn trải ở các dự án nâng cấp mở rộng và xây dựng cảng hàng không như: Sân bay Long Thành, sân bay Phú Bài, sân bay Điện Biên thì việc kiến nghị giao cho ACV thực hiện dự án “béo bở” như nhà ga T3 khiến nhiều ý kiến lo ngại về việc gia tăng độc quyền trong lĩnh vực hàng không.

ACV là doanh nghiệp đang khai thác hạ tầng nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền

TS. Lương Hoài Nam, Chuyên gia giao thông cho rằng, trên thế giới không có doanh nghiệp phát triển sân bay nào kỳ lạ như ACV.
Lý giải về nhận định này, ông Nam cho biết, các tập đoàn, doanh nghiệp làm sân bay trên thế giới họ làm cả đường băng, khu bay. Thông qua phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, Việt Nam lại có một doanh nghiệp đầu tư phát triển sân bay mà lại không làm khu bay.

TS. Lương Hoài Nam, Chuyên gia giao thông.

Cũng theo TS Lương Hoài Nam, ông cho rằng ACV luôn chia sẻ về việc có sân bay lãi bù cho sân bay lỗ, nhưng không thể phủ nhận đây là một doanh nghiệp siêu lợi nhuận.
So sánh với những doanh nghiệp khác, ông nhấn mạnh rằng "Các anh không thể bác bỏ sự thật rằng ACV là doanh nghiệp siêu lợi nhuận. Tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu của ACV là 40-45%, làm gì có doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt đến tỉ suất lợi nhuận như vậy? Vietnam Airlines tỉ suất lợi nhuận được 2-3%, Vietjet Air tỉ suất lợi nhuận 7-8%".
"Họ đang khai thác hạ tầng mà nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền. Tôi nghĩ rằng cấu trúc về đầu tư, quản lí và vận hành sân bay cần phải xem xét lại một cách tổng thể", ông Nam bức xúc.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tham gia tọa đàm cũng đồng tình với ý kiến của ông Nam.

"Bản chất sau khi tách khu bay ra khỏi tài sản của ACV khi cổ phần hóa đã phát sinh nhiều vấn đề như nâng cấp không nâng cấp được, sửa chữa cũng gặp khó khăn về cơ chế. Rõ ràng không thể tách biệt tài sản khu bay khỏi sân bay", vị này cho hay.

Trên thực tế, nguy cơ phải đóng cửa đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cam Ranh là vấn đề được đặt ra suốt thời gian qua, nguyên nhân do hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, ACV không thiếu tiền để sửa chữa lớn đường băng xuống cấp, nhưng vấn đề quan trọng là “vướng” cơ chế để thực hiện đầu tư hạ tầng.

Chiếu theo Luật thì Nhà nước có trách nhiệm đầu tư sửa chữa, trong khi doanh nghiệp không được bỏ tiền ra để đầu tư trên tài sản của Nhà nước, không được làm thay việc của Nhà nước. Vì doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

Trước đó vào cuối tháng 10, ACV đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2019 với doanh thu quý đạt 4.591 tỉ đồng cùng biên lợi nhuận lên tới 52,5%, mức siêu lợi nhuận hiếm gặp ở bất kì doanh nghiệp Việt Nam nào.

Lúy kế 9 tháng đầu năm 2019, ACV đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. ACV đang có lượng tiền mặt lên tới 32.058 tỉ đồng gửi ngân hàng, tuy nhiên lại vướng cơ chế nên không thể sửa chữa đường băng mà chính doanh nghiệp này đang khai thác.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ki-la-nhu-acv--doanh-nghiep-khai-thac-ha-tang-nha-nuoc-dau-tu-ma-khong-phai-tra-tien-d68255.html

Bạn đang đọc bài viết Kì lạ như ACV - Doanh nghiệp khai thác hạ tầng nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất