COVID-19 có thể là một yếu tố thúc đẩy đàm phán sáp nhập Grab và Gojek
Việc đàm phán sát nhập giữa Grab và Gojek là chủ đề được nhắc tới từ lâu. Tuy nhiên, cái khó của thương vụ này nằm ở các quy định pháp luật liên quan đến cạnh tranh, cùng với đó là sự phản đối của các nhà chức trách.
Theo thông tin từ DealStreetAsia, các cuộc đàm phán về việc sát nhập 2 nền tảng gọi xe là Grab và Gojek đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, Softbank và các nhà đầu tư khác của Grab và Gojek đang tích cực thúc đẩy hoàn tất thương vụ này.
Dẫn lời từ một nguồn tin thân cận, The Information cho biết ban lãnh đạo Grab và Go-Jek thường xuyên gặp nhau trong hai năm qua, tuy nhiên họ chỉ thực sự tỏ ra nghiêm túc về việc đàm phán sáp nhập trong vài tháng gần đây.
|
The Information cho biết ban lãnh đạo Grab và Go-Jek thường xuyên gặp nhau trong hai năm qua. |
DealStreetAsia nói thêm rằng COVID-19 có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình đàm phán sáp nhập hai bên. Cả hai ông lớn gọi xe theo đó đều đang phải tái cơ cấu lại trong bối cảnh mảng gọi xe bị ảnh hưởng do các lệnh giãn cách xã hội hoặc phong toả vì dịch bệnh.
Hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ kiểm soát cổ phần giữa 2 doanh nghiệp trong trường hợp Grab và Gojek sát nhập. Theo DealstreetAsia, Gojek đang tìm kiếm một tỷ lệ 50 50. Trong khi đó, Grab dường như muốn một tỷ lệ tốt hơn để họ có thể nắm được quyền chi phối.
Cả Grab và Gojek đều đang được xem như những kỳ lân (start-up có giá trị trên 1 tỷ USD) hiếm hoi của khu vực Đông Nam Á. Grab có xuất phát điểm tại Malaysia, trong khi đó Gojek đến từ Indonesia.
Các nhà đầu tư lớn của hai bên bao gồm nhiều cái tên như SoftBank, Microsoft, Toyota, Honda (đối với Grab) và Google, Temasek, Mitsubishi, Samsung (đối với Gojek). Ngoài ra Visa là nhà đầu tư cho cả hai công ty. Hiện tại, mức định giá của Grab và Gojek vượt mốc 10 tỉ USD.
Hợp nhất Grab và Gojek sẽ hoàn tất tham vọng trở thành 'siêu ứng dụng'?
Theo các chuyên gia, thương vụ sáp nhập giữa Grab và Go-Jek sẽ gặp một vài trở ngại nhất định mà lớn nhất chính là luật cạnh tranh và sự phản đối của các nhà chức trách, đặc biệt sau khi Grab thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2018.
Được biết, Gojek là startup ra đời vào năm 2010 và thu hút được tổng cộng 3 tỉ USD tiền đầu tư trong 12 vòng. Công ty này đang thực hiện vòng gọi vốn Series F với mục tiêu huy động thêm 2,5 tỉ USD. Còn với Grab, công ty thu hút vốn đầu tư lên đến 9 tỉ USD sau 29 vòng gọi vốn. Vào năm 2018, họ cũng đã thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á.
Mới đây, Go-Jek đã thực hiện việc hợp nhất các thương hiệu của mình ở Việt Nam và Thái Lan đồng thời đưa chúng về cùng sử dụng một nền tảng công nghệ trong bối cảnh Go-Jek mong muốn cải thiện năng lực vận hành và hình ảnh bên ngoài thị trường sân nhà Indonesia.
Động thái này được Go-Jek được thực hiện trong lúc cạnh tranh giữa nó và đối thủ Grab ngày càng nóng lên ở Đông Nam Á. Grab hiện đang hoạt động tại nhiều thị trường hơn Go-Jek dưới cùng một thương hiệu và nền tảng ứng dụng là Grab, theo Nikkei.
|
Thị trường chính của cả 2 doanh nghiệp này đều nằm ở các quốc gia tại khu vực Châu Á như Malaysia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia,... Mới đây, Gojek vừa tiến hành hợp nhất tất cả ứng dụng tại 5 thị trường của họ thành một nền tảng duy nhất là ứng dụng Gojek. Cùng với điều này, ứng dụng Gojek đã thay thế sự xuất hiện của GoViet tại thị trường Việt Nam.
Khởi đầu từ việc cung cấp dịch vụ gọi xe (ô tô, xe máy), tuy vậy cả Grab và Gojek đều có tham vọng phát triển thành một siêu ứng dụng. Việc hợp nhất 2 ứng dụng nếu trở thành sự thật sẽ cung cấp một thị trường khổng lồ để cả 2 hoàn tất tham vọng này.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ