Quyết định 202/QĐ-EVN không đảm bảo công bằng trong đấu thầu?
Vừa qua 14/2/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành Quyết định 202/QĐ-EVN về việc áp dụng kết quả đánh giá chất lượng nhà thầu vào công tác đấu thầu trong Tập đoàn Điện lực.
Theo phản ánh của nhiều nhà thầu, ngoài việc hạn chế nhà thầu tham dự, không đảm bảo công bằng trong công tác đấu thầu, Quyết định 202/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn trái tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước cũng như trái với quy định của Luật Đấu thầu.
Nhiều nhà thầu cho biết, kể từ khi có Quyết định 202 của EVN ban hành, tại hồ sơ mời thầu (HSMT) nhiều gói thầu của các đơn vị thành viên thuộc EVN như Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Nam... đã cài cắm điều kiện tiên quyết để hạn chế nhà thầu như sau: “Theo kết quả đánh giá chất lượng nhà thầu định kỳ hàng năm do EVN phê duyệt gần nhất với thời điểm bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu. Nhà thầu không có hợp đồng bị đánh giá là không đạt hoặc có từ 2 hợp đồng trở lên bị đánh giá là cảnh báo”.
|
Quyết định 102/QĐ-EVN ban hành đã hạn chế nhiều nhà thầu dự thầu tại EVN |
Áp theo quy định trên thì nhiều nhà thầu chưa từng tham gia gói thầu do EVN làm chủ đầu tư sẽ bị loại ngay từ "vòng gửi xe", mặc dù đã từng thực hiện các gói thầu tại các chủ đầu tư khác có tính chất, quy mô tương tự gói thầu EVN đang mời thầu.
Theo Luật sư Hà Trọng Đại, Phó giám đốc Công ty Luật The Light, Đoàn luật sư Hà Nội, Quyết định 202 của EVN quy định nhà thầu bắt buộc có hợp đồng tương tự tại EVN mới được tham dự thầu là không phù hợp với các quy định hiện hành.
|
Luật sư Hà Trọng Đại – Công ty Luật The Light. |
“EVN là tập đoàn kinh tế nên trong một số trường hợp được phép áp dụng Khoản 2, điều 3, Luật Đấu thầu là mua sắm theo quy chế riêng để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, mua sắm theo quy chế riêng vẫn phải đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo đúng quy định của luật Đấu thầu. Việc quy định tiêu chí về uy tín nhà thầu tại Quyết định 202 đã không đảm bảo công bằng cho các nhà thầu tham dự thầu”, luật sư phân tích.
Hạn chế nhà thầu trái Luật Đấu thầu, Điều ước quốc tế, Chỉ thị của Chính Phủ?
Được biết, đa phần các gói thầu của EVN hiện này đều sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi quốc tế... Bản thân một số gói thầu của EVN khi đưa ra yêu cầu nhà thầu phải được EVN đánh giá cũng sử dụng nguồn vốn này. Đối chiếu với khoản 3, Điều 3, Luật Đấu thầu về việc áp dụng Luật Đấu thầu, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thì Quyết định 202 của EVN là trái luật.
Theo Điều 2 của Quyết định 202 do EVN ban hành, tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu các gói thầu phải bao gồm tiêu chí đánh giá về uy tín của nhà thầu thông qua kết quả thực hiện các hợp đồng gói thầu tương tự. Phương pháp đánh giá uy tín nhà thầu quy định tại điểm a, Điều 3, Quyết định này là theo kết quả đánh giá chất lượng nhà thầu định kỳ/hàng năm do Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt gần nhất với thời điểm bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh nhà thầu không có hợp đồng bị đánh giá là không đạt hoặc có từ 2 hợp đồng trở lên bị đánh giá là cảnh báo.
|
Tuy nhiên theo điểm a, Mục 5 về xây dựng hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất tại Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 Về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
Mặt khác, chỉ thị của Thủ tướng nhấn mạnh, không được đưa ra các điều kiện để cài cắm điều kiện hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể...
Một trong những căn cứ để Tổng giám đốc EVN ký ban hành Quyết định 202 là Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Không biết EVN viện dẫn điều nào từ Nghị định 63 để ban hành Quyết định 202 nhằm hạn chế nhà thầu tham dự các gói thầu của EVN?
Trong khi, khoản 2, Điều 12 của Nghị định 63 quy định rõ: “Hồ sơ mời thầu phải quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tiêu chuẩn xác định giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá). Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
Hơn nữa, ngày 24/ 5/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu.
Chỉ thị nêu rõ: “Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được lập phải khách quan, công bằng, thu hút sự tham gia cạnh tranh rộng rãi của các nhà thầu, đảm bảo tuân thủ theo đúng nguyên tắc quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại điểm a, Khoản 5 Phần I Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017. Tuyệt đối không đưa ra các nội dung mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được”.
Việc EVN không tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ban hành Quyết định 202/QĐ-EVN đã tạo ra tình trạng hàng loạt nhà thầu quen trúng thầu cực sát giá, không tiết kiệm ngân sách tại hàng loạt Tổng Công ty và đơn vị ngành điện, với tổng giá trúng thầu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây chính là tiền đề cho thất thoát lãng phí và lợi ích nhóm mà dư luận bấy lâu nay phản ứng tiêu cực về ngành điện.
Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ