|
DLG: Chưa bao giờ lỗ nặng đến thế kể từ khi niêm yết
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020. Theo kết quả báo cáo, chưa bao giờ DLG lỗ nặng đến thế kể từ khi niêm yết (22/06/2010).
Chi phí tài chính ghi nhận hơn 82 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với năm trước do đầu năm các tổ chức tín dụng điều chỉnh tăng lãi suất cho vay và trích lập dự phòng đầu tư tài chính tăng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 30%, lên hơn 53 tỷ đồng. Trong đó, chi phí khấu hao tài sản cố định chiếm đến 49%, ghi nhận gần 26 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1, DLG ghi nhận doanh thu thuần và giá vốn hàng bán lần lượt giảm 51% và 54% so với cùng kỳ, xuống còn 326 tỷ đồng và 258 tỷ đồng. Từ đó dẫn đến lãi gộp của DLG giảm 35%, ghi nhận gần 68 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế thì Đức Long Gia Lai báo lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ trong quý 1 hơn 47 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 2 tỷ đồng. Được biết đây là khoản lỗ kỷ lục của Công ty kể từ khi niêm yết. Cùng kỳ năm trước công ty lỗ gần 2 tỷ đồng.
Theo giải trình của DLG, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thực hiện hàng loạt chỉ thị của Thủ Tướng Chính Phủ về phòng chống dịch khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một số ngành nghề tạm dừng hoạt động.
Tại ngày 31/3, tổng nợ phải trả của DLG là 5.275 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính 1.330 tỷ đồng (tăng 140 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính 2.386 tỷ đồng (giảm 157 tỷ đồng).
Tổng tài sản xấp xỉ so đầu năm ở mức 8.814 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho còn 483 tỷ đồng, trong đó có hơn 42 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Cổ phiếu DLG lên sàn chứng khoán từ năm 2010 với giá 30.000đ/cp. Sau một thời gian giao dịch, DLG đã có bước trượt đáng kể. Nếu theo dõi DLG kỹ một chút, sẽ thấy giá cổ phiếu có một vòng luẩn quẩn khi sau thời điểm chào sàn với định giá cao, lập tức tuột xuống dưới giá chào sàn.
Bước sang đầu năm 2020, cổ phiếu DLG nhích lên mức 2.400 đồng/cp vào ngày 8/1/2020, đây là mức giá cao nhất trong tháng kể từ đầu năm 2020 đến nay. Đến nay, giá cổ phiếu DLG giao dịch quanh mức 1.490 đồng/cp, giảm 40% kể từ đỉnh trước đó.
|
Cổ phiếu DLG lên sàn chứng khoán từ năm 2010 với giá 30.000đ/cp. Sau một thời gian giao dịch, DLG đã có bước trượt đáng kể. |
Mặc dù DLG cũng là một điển hình trong nhóm các đại gia tập đoàn có hàng chục Cty thành viên, liên kết với chiến lược kinh doanh nghe rất “khủng”, như HQC, OGC… nhưng cổ phiếu luôn sẵn sàng rớt về dưới mệnh giá, hoặc nếu nói đúng thị giá hiện tại, khó mua nổi bó hành- chưa nói tới mua được ly trà đá.
Kế hoạch của DLG trong năm 2020: Lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng
Trong năm 2020, DLG đưa ra kế hoạch doanh thu đạt 2,500 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng.
Sự khác biệt của DLG với hai tập đoàn cùng “phố núi” (HAG và QCG) là sau giai đoạn loay hoay khi lên sàn niêm yết và gặp sóng gió của khủng hoảng địa ốc từ 2010-2012, DLG đã mở rộng sang linh kiện điện tử, BOT, điện mặt trời.
Năm 2018, DLG đầu tư thêm vào Cty Chè Biển Hồ và Cà phê Biển Hồ cùng định hướng trồng cây xen kẽ bơ, thanh long và các loai cây ăn trái khác…. cộng với mảng nuôi bò thịt và bò sữa.
DLG cho biết, hưởng ứng cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam, Công ty đã đề xuất và được tỉnh Gia Lai, Ninh Thuân và Bình Thuận chấp thuận chủ trương và đang hoàn thiện để đầu tư dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn các tỉnh, trong đó riêng tại Gia Lai, tổng công suất các Nhà máy điện gió, điện mặt trời dự kiến hơn 1,500 MW.
Đối với lĩnh vực sản xuất điện tử và linh kiện điện tử, DLG lên kế hoạch sẽ đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, tổ chức liên doanh liên kết, mở rộng thị trường để sản xuất các sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử và smart tivi tiêu thụ tại các thị trường: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
Bên cạnh đó, DLG cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án: Sửa chữa, nâng cấp đường Tan Tân và xây dựng nút giao thông tại chân đường dẫn vào cầu An Hạ thuộc Khu đô thị Tây Bắc, đường cao tốc đoạn Biên Hòa - Tân Thành - cụm cảng Cái Mép, Thị Vải, Khu công nghiệp Long Sơn, TP Vũng Tàu.
Ngoài các lĩnh vực chiến lược trên, DLG còn tập trung đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp và các ngành nghề truyền thống.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ