Tuy nhiên, nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý III hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”.
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn nhanh nhất châu Á
|
Kết quả khảo sát của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân |
Trong báo cáo đánh giá: Đại dịch Covid-19 và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam vừa được trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố chiều 3/4, các chuyên gia dự báo, tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam khoảng 2,0 % so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Xuất khẩu giảm từ khoảng 25% trong quý 2 và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.
93,9% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực vì Covid-19
Khảo sát của trường Đại học Kinh tế Quốc dân từ 510 doanh nghiệp tính đến ngày 1/4 thuộc các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp... cho thấy có đến 93,9% các doanh nghiệp đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Cụ thể, kết quả cho thấy, 60,2% doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác; 51,8% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường.
Đáng lưu ý, sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, 20,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực cho rằng doanh thu của doanh nghiệp mình sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% doanh nghiệp bị sụt giảm từ 50% đến 80% doanh thu; 34,9% sụt giảm từ 30% đến 50%; 13,9% sụt giảm từ 10% đến 30%; chỉ có 2,7% doanh nghiệp bị sụt giảm dưới 10% doanh thu.
Trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, chi phí nhân công lao động đang là gánh nặng lớn nhất của 34,5% doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19. Tiếp theo là khoản chi trả lãi vay ngân hàng (25,0%), chi phí hoạt động thường xuyên (20,6%), chi phí thuê mặt bằng (17,9%).
Để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, có đến 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.
Trong bối cảnh đó, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 4, dự báo có 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động; 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất; 18,1% tạm dừng hoạt động và 0,8% có khả năng phá sản. Nếu đến hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm, tỷ lệ phá sản sẽ là 6,1%, 19,3% và 39,3%.
Cần biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn
GS.TS Trần Thọ Đạt, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, hiện nay, tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt (hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ). Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt.
"Việc kích thích tổng cầu trong bối cảnh hiện nay hầu như không có tác dụng trong ngắn hạn, bởi sức mua ở những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ không thể tăng một khi bệnh dịch chưa được kiểm soát", ông Đạt cho hay.
Các chuyên gia đánh giá tính chất của đại dịch Covid-19 lần này cho thấy việc dự báo tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó. Vì vậy cần phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh. "Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch có thể được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác", báo cáo đánh giá.
Với 2 kịch bản nêu trên, nhóm nghiên cứu cho rằng nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc cùng lắm đến hết quý II thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Tuy nhiên, nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý III hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”.
Dù dịch bệnh diễn ra trong bất cứ kịch bản nào cũng cần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Cùng với đó, các chính sách cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, phải nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu lại nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cho tới khi qua được khó khăn.
Cùng với đó, giảm, miễn một số loại thuế như: giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với doanh nghiệp vừa và nhỏ; giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, giãn nộp thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng…
Theo Thanh Hoa
Thời báo Kinh doanh