Lần đầu tăng trưởng lợi nhuận từ năm 2018
Trong quý II/2020, kết quả kinh doanh của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD - sàn HOSE) cải thiện hơn nhờ biên lợi nhuận gộp tăng. Cụ thể, lợi nhuận gộp tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 243,6 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 3,2% lên mức 6,1%.
Biên lợi nhuận gộp của Coteccons quý này cao nhất trong 5 quý liên tiếp và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đây chính là lần đầu tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ từ năm 2018.
|
Mặc dù doanh thu thuần giảm 31%, còn 3.972 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp tăng 32% cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết nguyên nhân tăng trưởng do cùng kỳ năm trước, một số công trình lớn thi công kéo dài làm gia tăng chi phí cố định, ảnh hưởng lợi nhuận gộp chung.
Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 158 tỷ đồng, tăng 28% cùng kỳ năm trước. EPS tương ứng 1.972 đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, mặc dù bị ảnh hưởng bởi tháng Tết và thực hiện giãn cách xã hội, CTD vẫn hoàn thành được 47% kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 7.525 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 281,9 tỷ đồng.
Công ty tiếp tục duy trì việc không vay nợ tài chính. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối kỳ đạt 361 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 8.471 tỷ đồng. Thặng dư vốn cổ phần gần 3.040 tỷ đồng.
Coteccons còn thu về 62 tỷ tiền lãi gửi ngân hàng trong kỳ vừa qua. Đại gia ngành xây dựng đang sở hữu 3.456 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng với thời hạn gốc từ 3 tháng đến 1 năm.
Tính tới 30/06/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp là 15.005,6 tỷ đồng, giảm 7,4% so với đầu kỳ. Trong đó có 3.682 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, bao gồm tiền - tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn là 8.517,9 tỷ đồng, chiếm 56,8% tổng tài sản; tiền gửi kỳ hạn ngắn là 3.456 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản; tồn kho là 1.227,6 tỷ đồng, chiếm 8,2% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương và đại diện cổ đông ngoại Kustocem đều bày tỏ sự đồng lòng, nhất trí, cùng hướng đến mục tiêu phát triển chung thay vì căng thẳng như trước đây. Do đó, ban lãnh đạo đề nghị các chủ đầu tư hãy giao thầu cho Coteccons. Mới đây, nhà thầu xây dựng này công bố cùng với công ty con Unicons trúng thầu liên tiếp 5 dự án với tổng giá trị gần 3.200 tỷ đồng.
Ricons không còn được liệt kê là công ty liên kết của Coteccons
6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của Coteccons âm 538 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền trên báo cáo tài chính giảm từ 801 tỷ xuống còn 226 tỷ đồng.
Trên báo cáo tài chính lần này, Ricons không còn được liệt kê là công ty liên kết của Coteccons. Khoản đầu tư 14,3% cổ phần tại Ricons được Coteccons hạch toán thành đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Giá trị khoản đầu tư này giảm từ 302 tỷ xuống 272 tỷ đồng.
|
Công nhân của Coteccons thi công một dự án tại TP.HCM. Ảnh: Zing. |
Ricons chính là nguyên nhân dẫn đến những xung đột vừa qua giữa nhóm cổ đông ngoại, dẫn đầu là Kusto với ban lãnh đạo của Coteccons.
Vụ việc sau đó được dàn xếp khi ông Trần Sỹ Công và 1 lãnh đạo người Việt khác chấp nhận rút khỏi HĐQT Coteccons. Hai vị trí này được thay thế bởi nhân sự người nước ngoài của các cổ đông ngoại. Tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 6, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương khẳng định mâu thuẫn đã ở lại quá khứ và Coteccons đã sẵn sàng tiến về phía trước.
Đại gia ngành xây dựng năm nay lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hợp nhất lần lượt đạt 16.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng. Sau 1/2 thời gian, doanh nghiệp đã hoàn thành 47% hai chỉ tiêu kinh doanh.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ