Lãnh đạo chủ chốt đồng loạt đăng ký mua 4,5 triệu cổ phiếu SBT
Trong thời gian từ 23/3 đến 21/4, hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar - SBT) đăng ký mua vào 4,5 triệu cổ phiếu để đầu tư cá nhân.
Cụ thể, Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Hồng Dương đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu nhằm tăng sở hữu từ hơn 2,74 triệu cổ phiếu lên 3,74 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,61% vốn.
Thành viên HĐQT độc lập Hoàng Mạnh Tiến cũng muốn mua 1 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,16% vốn theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Giám đốc Kinh doanh Huỳnh Văn Pháp cũng đăng ký mua 500.000 cổ phiếu nhằm tăng sở hữu từ 193.053 cổ phiếu lên 693.053 cổ phiếu, chiếm 0.11% vốn.
Cổ phiếu SBT đã giảm hơn 30% chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, đóng cửa phiên 18/3 tại mức 15.100 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản của cổ phiếu SBT cũng khá cao với bình quân hơn 2,5 triệu đơn vị mỗi phiên.
|
Với mức giá trên, 6 vị lãnh đạo SBT sẽ phải chi ra tổng cộng khoảng 68 tỷ đồng để gom vào 4,5 triệu cổ phiếu như đã đăng ký.
Ngoài các lãnh đạo trên thì hiện Chủ tịch Huỳnh Bích Ngọc đang nắm giữ hơn 67,5 triệu cổ phiếu SBT, tương ứng chiếm 11,1% vốn. Con gái Đặng Huỳnh Ức My sở hữu hơn 98 triệu cổ phiếu, chiếm 16,17%.
Thành Thành Công từ đột phá bằng nghiên cứu khoa học đến công ty Holding
Cái nôi của Tập đoàn Thành Thành Công được khởi sự từ ngành mía đường. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công được xem là người dẫn dắt công ty, riêng lĩnh vực mía đường luôn có sự sát cánh của bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ ông. Và đặc biệt, sau này có thêm con gái của ông là Đặng Huỳnh Ức My, người được mệnh danh là “Công chúa mía đường”.
Thành Thành Công không chỉ thâu tóm để tạo ra công ty mía đường lớn nhất tại Việt Nam, mà còn biết chọn cách đột phá nghiên cứu khoa học cơ bản, hướng đến sản xuất kinh doanh mía đường một cách bền vững.
|
Thành Thành Công liên tục có những nỗ lực giải bài toán giá thành sản phẩm đường bằng cách sáp nhập (M&A) các công ty có vùng nguyên liệu lớn cùng với những động thái như xây dựng nhà máy hiện đại, sử dụng cơ giới hóa sản xuất, tận dụng phụ phẩm, sử dụng giống mía nước ngoài có năng suất cao. Giờ đây, Thành Thành Công còn tự lập ra trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường của mình với sứ mệnh tạo ra bộ giống thuần chủng của Việt Nam để gia tăng năng suất cây mía với mục tiêu: giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh và đem lại nhiều lợi ích cho nông dân.
Thành Thành Công không dừng chân tại lĩnh vực mía đường, mà giờ đây đã vươn đến các ngành khác gồm: bất động sản, giáo dục, du lịch.
Mảng bất động sản Thành Thành Công tiếp quản từ Sacomreal, công ty của con trai ông Thành là ông Đặng Hồng Anh. Thành Thành Công cũng nhìn thấy những điểm mạnh và yếu của Sacomreal, như sở hữu nhiều dự án nhưng chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.
Hiện công ty đang sở hữu tổng quỹ đất gần 1.900 ha trải dài từ Bắc vào Nam trong đó 95% tương đương 1.786 ha là quỹ đất sẽ phát triển trong tương lai, 23 ha (1%) là những sản phẩm đã bàn giao và 79 ha (4%) là những dự án đang trong quá trình triển khai và sẽ bàn giao từ năm 2019 - 2022. Thành Thành Công đang tập trung vào các mảng trọng yếu là bất động sản dân dụng, bất động sản khu công nghiệp - logistics và đang trong quá trình mở rộng sang các loại hình mới. Hiện tại, doanh nghiệp đã và đang triển khai 26 dự án gồm: Charmington Tân Sơn Nhất, Charmington La Pointe, Charmington Plaza...
Với mảng giáo dục, Thành Thành Công nắm 15% vốn tại Công ty Giáo dục Thành Thành Công (do đã bán lại cho Navis Capital). Tuy nhiên, ông Đặng Văn Thành nhấn mạnh, vẫn tiếp tục đầu tư vào giáo dục khi có cơ hội mới.
Đối với ngành du lịch, Thành Thành Công đang sở hữu gần 20 khách sạn, resort, trung tâm hội nghị, lữ hành và khu vui chơi đẳng cấp 3 - 4 sao tại các tỉnh, thành du lịch trọng điểm khắp cả nước và tại Vương quốc Campuchia, như khách sạn TTC Premium - Michelia, khách sạn TTC Premium - Cần Thơ, khách sạn TTC Premium - Ngọc Lan, khách sạn TTC Premium - Angkor...
Thành Thành Công cũng đang nhìn thấy mảng năng lượng đầy tiềm năng tăng lợi nhuận trong tương lai. Vì theo dự báo, từ nay đến năm 2030, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, ngành năng lượng cần đạt được tốc độ tăng trưởng 10%, tương đương 500 tỉ kWh điện thương phẩm.
Đến nay, Thành Thành Công đã chính thức đóng điện và đưa vào vận hành thành công 7 nhà máy thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, song song với việc vận hành chuyên nghiệp 16 nhà máy thủy điện, 9 nhà máy đồng phát nhiệt điện từ bã mía.
Rõ ràng với tất cả những hướng đi có tính toán cẩn trọng, Thành Thành Công đang chuyển mình rất nhanh, biến tất cả cơ hội, lợi thế của mình để đột phá vào 4 lĩnh vực trọng tâm và đem lại nhiều lợi thế cho tập đoàn. Hiện tại, sau 40 năm, Tập đoàn Thành Thành Công đã từng bước trưởng thành mạnh mẽ. Đặc biệt, năm 2018, Tập đoàn Thành Thành Công đã đạt Top 10 Sao Vàng Đất Việt - giải thưởng do Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam tổ chức.
Mộc Diệp (T.H)/Sở hữu trí tuệ