Hợp đồng tự nguyện, đối tác chủ động đề xuất không thể gọi là giả cách!

Theo Sở hữu trí tuệ 06:18 05/12/2020

Ngày 4/12, Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam đã có thông cáo đến cơ quan báo chí, truyền thông bản về việc ngăn chặn chuyển nhượng và cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của bà Trần Uyên Phương.

Theo đó, phía đại diện của bà Trần Uyên Phương khẳng định hiện chưa nhận được các thông tin, văn bản chính thức, chưa làm việc với Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, các luật sư sẽ hợp tác toàn diện với các Cơ quan điều tra để sớm làm rõ sự việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

“Chúng tôi cho rằng, theo quy định pháp luật, nếu có tố cáo thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, xác minh, làm rõ các thông tin để giải quyết đơn tố cáo. Đó là việc làm hết sức bình thường và không thể suy diễn khi cơ quan điều tra làm rõ thông tin về bà Phương đồng nghĩa với việc bà Phương vi phạm pháp luật, đồng nghĩa với việc các tố cáo là đúng. Người tố cáo cũng phải chịu trách nhiệm nếu các tố cáo của mình là sai”., Đại diện pháp luật của bà Trần Uyên Phương khẳng định.

Thông cáo do luật sư của bà Phương đưa ra

Về nội dung tố cáo của các đương sự mà cơ quan điều tra Bộ Công an đang thụ lý xác minh, cho rằng có việc "cho vay nặng lãi" và "chiếm đoạt tài sản" thông qua các hợp đồng giả cách. Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam cũng khẳng định cho đến nay, chỉ biết được có các tố cáo đó qua báo chí và cũng không được biết chi tiết về nội dung tố cáo.

Bà Trần Uyên Phương khẳng định không ký HĐ giả cách

Ngoài ra, các luật sư cũng khẳng định các giao dịch bà Trần Uyên Phương đã thực hiện không phải là giả cách, hoàn toàn là sự tự nguyện của các bên, thậm chí xuất phát từ sự chủ động đề xuất của đối tác. Một Hợp đồng được ký tự nguyện, hợp pháp, được thực hiện trên thực tế thì không thể coi là giả cách. Các bên tham gia giao dịch có đủ năng lực hành vi dân sự, thậm chí còn là những người có kinh nghiệm nhiều năm trên thương trường, không bị cưỡng ép phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bên bán tự nguyện chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua thông qua hợp đồng chuyển nhượng, nhận đủ tiền, chuyển giao tài sản trên thực tế cho bên mua thì không thể nói là bên mua “chiếm đoạt tài sản”. Nếu các bên không chịu trách nhiệm về chữ ký của mình trong giao dịch, sẵn sàng phủ nhận những gì mình ký thì bất cứ giao dịch nào cũng có thể bị suy diễn thành giả cách.

“Theo quy định pháp luật, nếu có tố cáo thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét. Chúng tôi luôn coi trọng việc bảo mật các thông tin với các đối tác nên chúng tôi không thể vội vàng giải thích, công bố các tình tiết trong các giao dịch giữa các bên”.

“Chúng tôi cũng lưu ý, các sự việc trên không liên quan đến Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Trong thời gian vụ việc đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chúng tôi rất mong các phương tiện thông tin đại chúng tìm hiểu thông tin từ các nguồn, các bên khác nhau để đánh giá sự việc khách quan, thận trọng. Việc đưa tin một chiều về các nội dung tố cáo khi không có kiểm chứng, đối chiếu khách quan sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị tố cáo. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các thông tin cho cơ quan báo chí trong phạm vi khuôn khổ cho phép”., Đại diện của bà Phương nhấn mạnh.

Hoàng Đăng/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Hợp đồng tự nguyện, đối tác chủ động đề xuất không thể gọi là giả cách! tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất