|
Dự kiến nếu dịch kéo dài đến hết quý IV, tổng doanh thu của VNA ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, ước lỗ 19.651 tỷ đồng. (Ảnh: Thanh Hoa) |
Đây là nhận định của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về cập nhật ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty do cơ quan này quản lý.
Doanh nghiệp chịu tác động kép
Theo đó, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Đáng lưu ý, có 7 doanh nghiệp không cân đối được thu chi, với tổng số lỗ 3.728 tỷ đồng.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) thiệt hại nặng nhất. Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của VNA ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cuối năm 2019, lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài đến hết quý IV, tổng doanh thu của VNA ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - doanh nghiệp đang chịu tác động lớn từ việc giá dầu thế giới giảm, dẫn đến thua lỗ trong quý I/2010. Theo số liệu tài chính hợp nhất trong quý I, tổng doanh thu ước đạt 88.300 tỷ đồng, giảm 13.194 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.440 tỷ đồng, giảm 4.580 tỷ đồng.
Theo báo cáo của PVN, trường hợp giá dầu thô giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng sẽ làm doanh thu bán dầu thô năm 2020 giảm tương ứng 9.200 tỷ đồng đến 55.100 tỷ đồng. Tổng doanh thu Tập đoàn ước tính giảm 23.000 tỷ đồng đến 141.000 tỷ đồng, nộp ngân sách từ nguồn thu dầu thô sẽ giảm tương ứng từ 3.111 tỷ đồng đến 18.600 tỷ đồng, nộp ngân sách của toàn Tập đoàn giảm từ 5.000 tỷ đồng đến 27.100 tỷ đồng so với kế hoạch được phê duyệt.
Báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, dịch bệnh bùng phát khiến nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp và hàng hoá giảm, nên lưu lượng xe lưu thông trên đường bộ, đường sắt và đường thuỷ giảm mạnh từ đầu năm 2020 đến nay.
Trong quý I, doanh thu của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ước giảm 15 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) giảm 87 tỷ đồng, ước lỗ 94 tỷ đồng...
Dự kiến nếu dịch kéo dài đến hết quý IV/2020, ước lỗ của các doanh nghiệp trên lần lượt sẽ là 140 tỷ đồng; 694 tỷ đồng - 935 tỷ đồng; 76 tỷ đồng.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho hàng loạt dự án, gây chậm trễ trong công tác lắp đặt, chậm tiến độ vận hành so với kế hoạch. Các hoạt động dịch vụ của PVN như khoan, vận chuyển, hoá chất... đều bị tác động tiêu cực, một số công ty bị lỗ như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil…
Mới đây, CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn cho biết đang xem xét tới phương án dừng vận hành nhà máy một thời gian. Lý do là giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm sâu, tình hình dịch bệnh khiến nhu cầu vận tải giảm mạnh, kéo theo tiêu thụ xăng dầu thấp, giảm 30-40% so với cùng kỳ các năm.
Ở một số thời điểm, lượng hàng tồn kho của BSR lên tới hơn 90%, buộc nhà máy phải gửi hàng đến các kho chứa khác khiến chi phí tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước những tác động kép của dịch bệnh và giá dầu giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do mình quản lý, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có những kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành xem xét một số vấn đề cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho 19 doanh nghiệp này.
Trong đó, Uỷ ban kiến nghị Bộ Tài chính, Công Thương xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xăng dầu sản xuất trong nước để PVN có thể xuất khẩu các sản phẩm này, giảm lượng hàng tồn kho, tăng nguồn vốn lưu động. Miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường cho các doanh nghiệp.
Kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho một số tập đoàn, tổng công ty.
Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn gốc để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng. Trong đó, Uỷ ban cho rằng VNA đang rất khó khăn và đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng bắt đầu từ tháng 4 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Tài chính xem xét phương án giảm thuế VAT, lùi thời hạn nộp thuế, miễn giảm khoản chậm nộp tiền thuế; giảm 50% mức phải trích khấu hao tài sản cố định hàng năm đối với một số dự án...
Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, các biện pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong thời gian dịch và khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc.
Theo Huyền Anh/Thời báo Kinh doanh