Tranh cãi trao quyền tiếp cận thông tin cho cổ đông sở hữu 1% cổ phần

DTVN 15:12 16/10/2019

"Cổ đông sở hữu 1% cổ phần của công ty niêm yết được xem là đại cổ đông và lợi ích từ sở hữu cổ phần này là quá lớn, các cổ đông không dại hy sinh 1% cổ phần để “phá rối” công ty mà mình đang có phần"

Đó là ý kiến của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức ngày 15/10 tại Hà Nội, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, qua 3 lần sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này không kỳ vọng tạo cú hích mạnh về cải cách như các lần trước, bởi chất lượng làm luật đã tăng lên rất nhiều.

Trước đó, số doanh nghiệp ra đời năm 2000 - năm đầu tiên áp dụng Luật Doanh nghiệp ban hành năm 1999 - bằng tổng số doanh nghiệp được thành lập của 10 năm trước đó, ông Hiếu dẫn chứng.

Mục tiêu sửa Luật Doanh nghiệp lần này không chỉ giải quyết các bất cập mà còn chủ động nâng cấp khung pháp lý quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, hướng đến nâng cao thứ hạng của Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo ra cải cách đột phá về khung pháp lý quản trị doanh nghiệp. Theo đó, quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, hiện xếp hạng 89/190 quốc gia (tăng vọt so với thứ hạng 117 năm 2014, thứ hạng 169 năm 2013), theo Báo cáo “Môi trường Kinh doanh 2019” của Ngân hàng Thế giới.

Tinh thần sửa Luật Doanh nghiệp lần này hướng đến các chuẩn mực. Đơn cử, phấn đấu đưa môi trường kinh doanh Việt Nam đạt chuẩn mực ASEAN, còn quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và chuẩn Basel trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng muốn cải thiện quản trị doanh nghiệp thì phải tăng mức độ bảo vệ cổ đông. Và để tăng mức độ bảo vệ cổ đông thì phải trao quyền cho họ, ít nhất là quyền tiếp cận thông tin.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay thì chỉ số ít cổ đông lớn được tiếp cận thông tin sâu của doanh nghiệp. Điều đáng nói, cổ đông là người đầu tư tiền vào doanh nghiệp nhưng quyền tiếp cận thông tin hiện chỉ được trao cho cổ đông có sở hữu tối thiểu từ 10% cổ phần và trong thời gian 6 tháng liên tục.

Với mục tiêu hướng đến chuẩn mực quốc tế, dự thảo Luật Doanh nghiệp lần này dự kiến bãi bỏ thời hạn liên tục 6 tháng và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 1%. Đề xuất này nhận được các ý kiến vô cùng khác nhau, ông Hiếu nói.

Theo ông Phan Lê Hoàng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương, việc đề xuất bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp, bởi không nên phân biệt cổ đông cũ và mới.

Còn việc sửa đổi khoản 2 Điều 114 Luật Đầu tư theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông từ 10% xuống còn 1% để thực hiện 1 số quyền của cổ đông như yêu cầu xem xét, trích lục hồ sơ, báo cáo tài chính, hợp đồng giao dịch của công ty, triệu tập đại hội cổ đông bất thường… là không phù hợp, không đảm bảo môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp. Do vậy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương đề nghị giữ nguyên tỷ lệ sở hữu từ 10% cổ phần trở lên như Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, chúng ta luôn nói chủ động hội nhập đi trước, thì cần nhìn sang các nước phát triển như Hàn Quốc (tỷ lệ này là 3%), Nhật Bản (1 cổ phiếu, tạm gọi 0%), còn chúng ta nay đề xuất tỷ lệ này là 1%. Nếu theo đuổi các chuẩn mực quốc tế, muốn bằng các nước phát triển thì chúng ta cần phải đi nhanh hơn.

Ngoài ra, theo Luật Chứng khoán, cổ đông sở hữu 5% cổ phần doanh nghiệp đã được coi là cổ đông lớn. Do đó, nếu áp dụng trao quyền tiếp cận thông tin cho cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần thì họ không phải cổ đông nhỏ nữa.

Gần đây khi tham vấn doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Đức Hiếu cho biết, phía doanh nghiệp nhận định cổ đông sở hữu 1% cổ phần của công ty niêm yết là cổ đông lớn và lợi ích kinh tế từ sở hữu 1% cổ phần là quá lớn, lớn đến mức họ không dại hy sinh 1% cổ phần mà “phá rối”, triệt tiêu công ty. Do vậy, việc trao quyền tiếp cận thông tin cho cổ đông có 1% cổ phần gần như không tác động tới doanh nghiệp niêm yết.

Còn đối với các công ty không phải đại chúng, cơ cấu sở hữu cổ phần rất tập trung, dao động thường từ 20-30%. Do đó, việc giảm tỷ lệ cổ phần xuống 1% cũng không tác động tới các doanh nghiệp này.

Là những người soạn Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, chúng tôi cho rằng xét về góc độ hội nhập, chúng ta cần phải vượt Hàn Quốc trong việc trao quyền tiếp cận thông tin cho cổ đông sở hữu 1% cổ phần doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu nói.

Theo Lê Quân/Báo Đầu Tư

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi trao quyền tiếp cận thông tin cho cổ đông sở hữu 1% cổ phần tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đầu tư
Từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động “săn” cổ phiếu phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) không còn sôi động như giai đoạn 2016 - 2018. Nhóm cổ phiếu sắp IPO đang được giới đầu tư lựa chọn kỹ lưỡng hơn.
Tin tức mới nhất