|
Vietbank: Lợi nhuận trước và sau thuế quý 2 giảm 61%
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2/2020 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB), trong quý 2, thu nhập lãi thuần của VBB giảm đến 86%, chỉ thu về hơn 43 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước và sau thuế quý 2 giảm 61% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 58 tỷ đồng và hơn 46 tỷ đồng.
|
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 của VBB |
Nguyên nhân là do trong kỳ thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự chỉ tăng gần 19% trong khi chi phí lãi tăng đến 44%.
Tuy nhiên, các hoạt động khác lại cho kết quả khả quan hơn cùng kỳ năm trước như lãi từ hoạt động dịch vụ (+27%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+78%), đặc biệt là lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp 6.3 lần.
Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tăng 12% so với đầu năm, đạt 55,433 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối tăng 36% (856 tỷ đồng), phát hành giấy tờ có giá tăng đến 40% (3,500 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của VBB chỉ tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 288 tỷ đồng và 229 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của VBB đạt 76,674 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, chủ yếu do tăng các khoản lãi, phí phải thu (+37%), tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (+27%), cho vay các TCTD khác (+81%). Cho vay khách hàng tăng 5%, ghi nhận 42,993 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng mạnh
Về chất lượng cho vay, tổng nợ xấu của VBB tăng 50% so với đầu năm, ghi nhận gần 807 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 72%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 51%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của VBB tăng từ mức 1.32% hồi đầu năm lên 1.88%.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư 02/2013 về phân loại tài sản và mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tương ứng, các ngân hàng thương mại sẽ phải phân loại chất lượng tài sản cho vay theo các nhóm nợ 1, 2, 3, 4 và 5.
Trong đó, các nhóm nợ 3, 4 và 5 được coi là nhóm nợ xấu với tỷ lệ trích lập dự phòng tương ứng mà NHNN quy định lần lượt là 20%, 50% và 100%. Nợ xấu càng tăng, mức trích lập càng cao. Điều này sẽ trực tiếp làm sụt giảm lợi nhuận của mỗi ngân hàng. Do các khoản trích lập dự phòng phải được lấy ra từ nguồn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Kỳ này, VBB trích lập hơn 11 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 2 tỷ đồng. Kết quả làm cho lợi nhuận trước và sau thuế trong quý 2 giảm mạnh 61% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 58 tỷ đồng và 46 tỷ đồng.
Theo tài liệu công bố, ngân hàng nhận định năm 2020 là một năm khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ban lãnh đạo VietBank cho biết trong năm 2020, VietBank được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 9,75%, tương ứng với số dư nợ là 44.908 tỉ đồng. Tổng tài sản kế hoạch tăng trưởng 15% với 79.289 tỉ đồng.
Đồng thời, trái ngược với mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của VietBank trong năm 2019 (613 tỉ đồng), trong năm 2020, ngân hàng chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn với 300 tỉ đồng, giảm 51% và thấp hơn cả mức lợi nhuận năm 2018.
So với kế hoạch “phấn đấu” đạt 613 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2020, sau 6 tháng đầu năm VBB đã thực hiện được 47% chỉ tiêu.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ