VietABank kinh doanh ra sao trước thời điểm niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE?

DTVN 10:09 24/05/2024

Giai đoạn 2014-2022, lợi nhuận tại VietABank liên tục tăng trưởng, song đến năm 2023 bất ngờ đứt chuỗi 9 năm tăng liên tiếp....

Niêm yết cổ phiếu VAB trên HOSE trong năm 2024

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) đã thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu VAB niêm yết trên HOSE trong năm 2024.

"Hồ sơ chúng tôi đã chuẩn bị sẵn và đã làm việc với một số công ty chứng khoán. Hy vọng là sẽ hoàn thành được mục tiêu niêm yết trong năm 2024", Chủ tịch VietABank ông Phương Thành Long cho hay.

VietABank thành lập tháng 6/2003, do ông Phương Hữu Việt làm Chủ tịch HĐQT. Tháng 9/2021, ông Phương Hữu Việt rút lui, vị trí Chủ tịch HĐQT do một người họ Phương khác – ông Phương Thành Long, đảm nhiệm. Ông Phương Thành Long chính là con trai ông Phương Hữu Lĩnh – anh trai ông Phương Hữu Việt.

Giai đoạn 2014-2022, lợi nhuận tại VietABank liên tục tăng trưởng từ 47 tỷ đồng lên 891 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2023 bất ngờ giảm 16% so với năm 2022, còn hơn 744 tỷ đồng lãi sau thuế. Trong quý đầu năm 2024, lãi sau thuế đạt gần 203 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Lợi nhuận VietABank những năm gần đây

VietABank đang kinh doanh ra sao?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, tính đến 31/3/2024 tổng tài sản thu hẹp 6% so với đầu năm, còn 105.986 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 16% còn 305 tỷ đồng; tiền gửi tại TCTD khác giảm 44% còn 10.443 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng nhẹ 3% đạt 71.392 tỷ đồng.

Đặc biệt là khoản phải thu tại VietABank ghi nhận hơn 3.121 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm. Tuy nhiên, ngân hàng này lại không thuyết minh chi tiết các "khoản phải thu" từ đâu.

Trước đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, tính đến 31/12/2023, VietABank ghi nhận hơn 3.858 tỷ đồng khoản phải thu. Trong đó, các khoản phải thu bên ngoài ghi nhận hơn 3.795 tỷ đồng.

Trong số các khoản phải thu bên ngoài này, chi tiết nhiều khoản khá bất ngờ.

Cụ thể, khoản phải thu chờ xử lý liên quan đến sự vụ tại phòng giao dịch Đông Đô 232 tỷ đồng. Liên quan nhóm khách của hoạt động tín dụng này, công ty đã chuyển trạng thái thành “phải thu” chờ phán quyết của Tòa án; Tiền đặt cọc mua bất động sản hơn 142,8 tỷ đồng. Khoản này đã được ngân hàng trích lập dự phòng.

Tiền đặt cọc đảm bảo thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư 1.300 tỷ đồng. Theo hợp đồng này, đối tác sẽ giới thiệu, tìm kiếm và tư vấn để thực hiện mua giấy tờ có giá trị trên thị trường theo quy định. Các khoản tiền chứng minh tài chính này được chuyển khoản vào tài khoản phong tỏa của đối tác mở tại VietABank.

Phải thu của CTCP Đầu tư Infinity Group về các khoản bán tài sản gán nợ 738 tỷ đồng. Đây là khoản phải thu liên quan việc ngân hàng chuyển nhượng bất động sản đã nắm giữ cho Infinity Group thông qua công tác xử lý nợ.

Phần phải thu của ông Nguyễn Minh Trọng liên quan đến các khoản bán nợ trả chậm là 40 tỷ đồng. Trên thực tế giao dịch mua bán nợ giữa VietABank với ông Nguyễn Minh Trọng trị giá hơn 486 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2023 khách hàng đã thanh toán hơn 446 tỷ đồng, số còn lại 40 tỷ đồng đang được VietABank thu hồi.

Ngoài ra, khoản phải thu phần vốn góp theo hợp đồng hợp tác kinh doanh 502 tỷ đồng; khoản phải thu từ CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam về giao dịch chuyển tiền hơn 596 tỷ đồng;...

Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 tại VietABank.

Đáng chú ý, trong số các bên mua tài sản gán nợ của VietABank có Infinity Group, đây là doanh nghiệp trong hệ sinh thái Việt Phương, gắn liền với một doanh nhân họ Phương.

Cụ thể, CTCP Đầu tư Infinity thành lập tháng 11/2016, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Ban đầu công ty do ông Ngô Tấn Dũng là Chủ tịch HĐQT. Tháng 8/2017, ông Đào Ngọc Thanh một lần nữa xuất hiện trong hệ sinh thái Việt Phương, giữ vị trí Tổng Giám đốc. Đến tháng 5/2018, ông Phương Xuân Thụy lên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Tháng 11/2021, công ty tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, tính đến 31/3/2024, nợ xấu tại VietABank tăng tới 53% so với đầu năm, lên mức 1.679 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, lên tới 74% ghi nhận hơn 875 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 36% lên mức hơn 779 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng 10% ghi nhận hơn 24 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,59% đầu năm lên 2,35%.

Bên cạnh đó, lãi và phí phải thu (lãi dự thu) tính đến 31/3/2024 ghi nhận hơn 8.237 tỷ đồng.

Năm 2024 này, VietABank đặt kế hoạch lợi nhuận 1.058 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kết quả thực hiện năm 2023; tổng tài sản tăng 4,3% lên gần 117.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 12,36% lên 77.741 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến sẽ tăng 5,6% lên 92.027 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngân hàng cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39% thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn điều lệ của VietABank sẽ tăng lên hơn 7.505 tỷ đồng.

Link gốc : https://suckhoeviet.org.vn/vietabank-kinh-doanh-ra-sao-truoc-thoi-diem-niem-yet-co-phieu-len-san-hose-12588.html

Bạn đang đọc bài viết VietABank kinh doanh ra sao trước thời điểm niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất