Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Theo đó, Vietcombank sẽ không trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2020, thay vào đó ngân hàng này dự kiến công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020-2021, lên tối đa 43.765 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD).
Cụ thể, vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank là hơn 37.088 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2018 với tỷ lệ 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 18 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện sẽ được lấy từ lợi nhuận giữ lại đến hết năm 2018.
Bằng kế hoạch này, ngân hàng dự kiến tăng thêm khoảng 6.676 tỷ đồng vốn điều lệ, đẩy vốn sau phát hành lên tối đa 43.765 tỷ đồng. Thời gian chi trả có thể sẽ là trong quý III và IV của năm nay. Thời điểm cụ thể sẽ được HĐQT quyết định sau khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
|
Vietcombank dự kiến tăng thêm khoảng 6.676 tỷ đồng vốn điều lệ, đẩy vốn sau phát hành lên tối đa 43.765 tỷ đồng |
Bên cạnh kế hoạch này, Vietcombank cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô 6,5% vốn điều lệ ngân hàng tại thời điểm chào bán cho nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính.
Đối với số cổ phần riêng lẻ dự kiến phát hành này, nếu trường hợp đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho Nhật Bản thực hiện mua cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu tại VCB lên 20%, Mizuho có quyền đề cử thêm 1 ứng viên vào HĐQT của VCB nếu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận.
Nói về lí do tăng vốn, Vietcombank cho biết hiện tại vốn điều lệ của Vietcombank đang thấp hơn mức kế hoạch tại phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tương ứng cho năm 2020 là 21.100 tỉ đồng.
Mặt khác, việc tăng quy mô vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động.
Nếu không tăng được vốn, Vietcombank cho biết sẽ không đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn theo quy định, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của ngân hàng, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Vietcombank cũng như đóng góp của ngân hàng cho ngân sách nhà nước.
Do đó, Vietcombank cần phải tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2020 - 2021 nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược.
Nếu không tăng được vốn, Vietcombank cho biết sẽ không đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn theo quy định, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của ngân hàng, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Vietcombank cũng như đóng góp của ngân hàng cho ngân sách nhà nước.
Hiện tại trong cơ cấu cổ đông của Vietcombank, cổ đông Nhà nước vẫn sở hữu 74,8% vốn điều lệ, bên cạnh đó ngân hàng có cổ đông chiến lược là Mizuho nắm 15%, GIC của Singapore nắm 2,55% và các cổ đông khác nắm 7,65% vốn.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ