|
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: BNEWS/TTXVN |
Thị trường vốn năm 2020 được dự báo sẽ có những thay đổi tích cực với dòng tiền đến từ khối ngoại và việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 tháng bùng phát dịch COVID-19 đã khiến nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn cầu đình trệ và thiệt hại nặng nề. Chỉ số chứng khoán nhiều sàn giao dịch trên toàn cầu liên tục mất điểm, giá vàng tăng đột biến. Những biến động này đã có những tác động nhất định đến thị trường tài chính Việt Nam.
Vậy diện mạo của thị trường vốn trong năm 2020 sẽ ra sao? Xoay quanh chủ đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian qua?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường tài chính bước vào năm 2020 với nhiều động khó lường. Một loạt các chỉ số chính của thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục giảm điểm do tâm lý lo ngại của dịch COVID-19. Những biến động của thị trường này rất khó đoán định trong thời gian tới khi mà dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Thực tế ngay đầu năm 2020, các chuyên gia tài chính trong nước đã có những nhận định rất khả quan về kinh tế thế giới và kinh tế của Việt Nam. Những nhận định được đưa ra dựa trên những con số khả quan như GDP của Việt Nam trong năm 2018 và 2019 đều vượt 7%. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,76% trong năm 2019. Đây là những bệ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp đà tăng trưởng khi bước vào năm 2020.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến nền kinh tế nhiều quốc gia trên toàn cầu; trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng.
Phóng viên: Diễn biến này ảnh hưởng ra sao đến thị trường tài chính Việt Nam, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam có thế mạnh về xuất nhập khẩu, năm 2019 đạt kim ngạch hơn 500 tỷ USD xuất nhập khẩu cả hai chiều. Nền kinh tế của Việt Nam dựa nhiều vào xuất nhập khẩu, đây có thể coi là một điểm sáng kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế của Trung Quốc, nơi được coi là công xưởng của toàn cầu đang bị đình trệ bởi dịch bệnh bùng phát đã có tác động không tốt đến nhiều nước trên thế giới; trong đó có Việt Nam. Điều này khiến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam đang đứng trong giai đoạn mất cân đối giữa chuyển động hàng hóa và chuyển động tiền tệ.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh do tâm lý của nhà đầu tư làm nhiều cổ phiếu bị bán tháo. Trong bối cảnh không mấy khả quan của thị trường tài chính toàn cầu thì chứng khoán Việt Nam cũng bị những tác động nhất định. Có thời điểm khối ngoại bán ròng nhiều phiên khiến chỉ số Vn-Index giảm điểm.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn thì trong thời gian ngắn tới, thị trường chứng khoán toàn cầu và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ hồi phục trở lại.
Phóng viên: Có một thực tế lâu nay là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào vốn tín dụng quá nhiều. Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi tìm nguồn vốn trung và dài hạn. Vậy theo đánh giá của ông, thực trạng này hiện nay đã được cải thiện ra sao?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Nền kinh tế của Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vốn tín dụng. Năm 2019 tổng dư nợ tín dụng lên đến 8,2 triệu tỷ đồng. Hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và các thành phần kinh tế đang tìm cách giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng.
Trong thời gian tới, kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu cũng sẽ mở ra những cơ hội để Việt Nam giảm lệ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng.
Phóng viên: Thời gian qua, bên cạnh những kết quả tốt của thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp cũng đã có một năm biến động mạnh mẽ. Song bên cạnh cơ hội cũng có những cảnh báo về rủi ro, ông nhận xét thế nào về vấn đề này?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Việc giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế vào vốn vay ngân hàng luôn được xem là tín hiệu tích cực. Câu chuyện các doanh nghiệp chủ động đứng ra phát hành trái phiếu cũng là một hình thức vay nợ nhưng thay vì đến ngân hàng thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho công chúng và giới đầu tư.
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp song hành với những rủi ro như một số doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn sai mục đích hoặc nợ quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Việc vỡ nợ của các doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Có một thực tế là việc nhiều nhà đầu tư không có khả năng để phân tích tài chính hoặc đầu tư vì nhìn thấy lợi nhuận cao đã mang lại những rủi ro lớn. Những rủi ro này không chỉ có ở Việt Nam mà những rủi ro này có ở tất cả các nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.
Phóng viên: Ông có thể đưa ra đánh giá và nhận định về triển vọng của thị trường vốn Việt Nam trong năm 2020?
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Tình trạng dịch bệnh hiện nay đang khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Trung Quốc đi tìm thị trường thay thế và dịch chuyển việc sản xuất đến các nước ở khu vực lân cận; trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đang ở trong vị thế tốt để có thể nhận lấy những cơ hội mới. Việc kiểm soát dịch bệnh tốt trong thời gian qua đã tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài nếu họ dịch chuyển đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, năm 2019 Việt Nam đã thu hút một lượng vốn đầu tư nước ngoài khả quan. Cùng với đó là khả năng hấp thụ tốt của nền kinh tế Việt Nam cũng mang lại những tín hiệu khả quan cho việc hút vốn trong năm 2020.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông !
Theo TTXVN