Nợ xấu tại Kienlongbank tăng chóng mặt, cao gấp 6.6 lần so với đầu năm

Mai Hương(T/H) 10:26 28/07/2020

Tại Kienlongbank, tổng nợ xấu đến hết quý II/2020 gấp 6.6 lần so với đầu năm, tăng lên mức 2.250 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 gấp 9 lần đầu năm, ghi nhận gần 2.146 tỷ đồng. Vì sao vậy?

Kienlongbank: Các mảng kinh doanh đều sụt giảm

Ngân hàng TMCP Kiên Long – Kienlongbank (mã KLB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2020 với phần lớn các mảng kinh doanh đều sụt giảm.

Trong kỳ này, tín dụng vẫn đóng vai trò chính nhưng chỉ mang về cho ngân hàng khoản lãi 254 tỷ đồng, giảm 19,1% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 550 tỷ đồng, giảm 6%.

Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng giảm 9%, còn hơn 16 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, mảng này lãi gần 36 tỷ đồng, tăng 20%.


Ngoài ra, lãi từ kinh doanh ngoại hối kỳ này giảm 33% so với cùng kỳ, xuống 10 tỷ đồng, lãi lũy kế 6 tháng ở mức 19 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác giảm 2/3, xuống còn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ lãi đột biến trong quý I nên lũy kế 6 tháng đầu năm, mảng này ghi nhận lợi nhuận 63 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ.

Kỳ này, chi phí hoạt động của KLB giảm nhẹ 1% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh 55% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả làm cho lợi nhuận trước và sau thuế trong quý 2 giảm 38% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 46 tỷ đồng và gần 37 tỷ đồng.

Trong kỳ này, duy chỉ thấy hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư là điểm sáng nhất trong quý II/2020 khi đem về khoản lãi gấp 5.6 lần cùng kỳ, ghi nhận gần 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ thu về gần 7 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác gấp 4.4 lần cùng kỳ, đạt gần 63 tỷ đồng do phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng nhà kho cho thuê của công ty con.

Chi phí hoạt động quý II/2020 của ngân hàng tương đương cùng kỳ, ở mức hơn 267 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 50%, xuống còn 10 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3.2 lần cùng kỳ, ghi nhận 79 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng cụ thể của các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo Phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế và sau thuế trong 6 tháng đầu năm của KLB giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 103 tỷ đồng và 82 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 750 tỷ đồng cho năm 2020, KLB chỉ mới thực hiện được gần 14% chỉ tiêu sau nửa đầu năm.

Nợ xấu của Kienlongbank đột ngột tăng tới 6,6 lần so với đầu năm

Thực tế, ghi nhận từ báo cáo tài chính quý II/2020 của hầu hết các ngân hàng thương mại đều cho thấy, nợ xấu tăng lên rất mạnh, đặc biệt là nợ nghi ngờ.

Tại Kienlongbank, tổng nợ xấu đến hết quý II/2020 gấp 6.6 lần so với đầu năm, tăng lên mức 2.250 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 gấp 9 lần đầu năm, ghi nhận gần 2.146 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu do đó, bị kéo lên tới 6,59%/tổng cho vay, so với mức chỉ 1% hồi đầu năm.

Theo giải trình của KLB, trong số dư nợ có khả năng mất vốn, có 1,896 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo Quyết định 2595/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của KLB tăng mạnh từ 1.02% lên 6.59%.

Tính đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của KLB đạt 55,425 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, tiền, vàng gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 24% so với đầu (12,217 tỷ đồng); các khoản phải thu gấp đôi đầu năm (507 tỷ đồng).

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/no-xau-tai-kienlongbank-tang-chong-mat-cao-gap-66-lan-so-voi-dau-nam-d79742.html

Bạn đang đọc bài viết Nợ xấu tại Kienlongbank tăng chóng mặt, cao gấp 6.6 lần so với đầu năm tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất