Theo Zing, trong thông báo mới nhất, Sacombank rao bán quyền sử dụng hơn 6.300 m2 đất tại quận Tân Phú (TP.HCM) của CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Tân Phong để thu hồi nợ.
Lô đất này có địa chỉ tại số 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, giá khởi điểm là 355 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Dự kiến phiên đấu giá được diễn ra vào đầu tháng 10 tới, nhà đầu tư muốn tham gia phải đặt trước 5% giá khởi điểm của tài sản, tương đương 17,75 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, Sacombank rao bán quyền sử dụng đất và tài sản gắn liên với đất tại số 41-45 đường 281 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11 (TP.HCM). Đây là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của 2 khách hàng Trầm Phong Xuân và Kiên Thị Kiều.
Đáng chú ý, tài sản gắn liền với khu đất là khách sạn 9 tầng Ngân Kiều với tổng diện tích sử dụng hơn 4.000 m2, giá khởi điểm cho tài sản này là 122 tỷ đồng. Được biết, nhà băng đã nhiều lần rao bán 2 tài sản kể trên nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.
|
Sacombank rao bán khách sạn 9 tầng Ngân Kiều. Ảnh: Zing. |
Trước đó, cũng chính nhà băng này đã thông báo bán khoản nợ 1.330 tỷ đồng của CTCP Dịch vụ Văn hóa - Thể dục thể thao Thành Long với giá khởi điểm 798 tỷ. Tài sản bảo đảm là 3 bất động sản tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh tổng diện tích 76.500 m2.
Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang tích cực đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp của khách hàng để xử lý, thu hồi nợ, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khách hàng cá nhân gặp khó khăn. Báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận kinh doanh.
Kể từ đầu tháng 7, Ngân hàng VietinBank cũng đã thông báo bán nhiều tài sản bảo đảm. Đơn cử như ngân hàng này thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Trung tâm thương mại phức hợp Cần Thơ Center 3,23 ha, giá khởi điểm là 190 tỉ đồng.
Ngoài ra còn có 30 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với diện tích đất hơn 5 ha tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình).
Là ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất, thời gian qua, BIDV liên tục rao bán nhiều tài sản giá trị lớn. Ngày 21/8 vừa qua, BIDV rao bán nguyên lô tài sản có giá khởi điểm từ 221 tỷ đồng đến 388 tỷ đồng.
BIDV cũng rao bán đấu giá tài sản nguyên lô gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM (diện tích 2.675 m2) cùng với hệ thống máy móc thiết bị gồm 1 bộ máy biến thế, hệ thống đầu nối cho trạm biến áp, tổ hợp máy phát điện và toàn bộ nội thất, công cụ, trang thiết bị, máy móc thuộc toà nhà Crystal Palace.
Rao bán nợ xấu ngày càng khó khăn
Báo cáo lợi nhuận quý II/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến thời điểm này, các ngân hàng đang “ngấm đòn” Covid-19. Điều đó thể hiện rõ qua việc lợi nhuận sụt giảm, một phần do tín dụng tăng trưởng chậm, trong khi các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro từ các khoản vay của khách hàng đang gặp khó khăn bởi Covid-19.
Mặc dù thời gian qua, các ngân hàng rất tích cực xử lý nợ xấu qua hình thức đấu giá, tài sản rao bán khá đa dạng, bao gồm bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất, các loại ô tô từ bình dân đến xe sang…
|
Tuy vậy, việc rao bán nợ xấu ngày càng khó khăn, dù giảm giá mạnh nhưng lượng người mua không nhiều. Thực tế này dẫn đến tình trạng, nhiều tài sản được ngân hàng đem ra đấu giá tới vài chục lần vẫn không thể bán được.
Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từ đầu năm đến nay, nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đã và đang tăng lên, nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến năng lực trả nợ của doanh nghiệp và hộ gia đình vay vốn. Từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó thì đương nhiên sẽ đẩy nợ xấu của ngành ngân hàng tăng lên cao.
TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm, hiện còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Đó là thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, phối hợp của cơ quan thi hành án, nhất là sự vào cuộc của các sở, ban, ngành địa phương chưa quyết liệt.
Đáng nói, nhiều khách hàng có dấu hiệu lợi dụng bối cảnh Covid-19 để trì hoãn trả nợ, giao tài sản thanh lý cho các tổ chức tín dụng khiến tiến trình xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm còn rất khó khăn. Do đó, thời điểm này, trong khi nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm, tình hình nợ xấu mới có nguy cơ tăng cao lại càng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan công an, chính quyền địa phương.
“Sự tác động của đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình xử lý nợ xấu. Tiến trình này chỉ có thể được thúc đẩy nhanh hơn khi nền kinh tế vận hành bình thường và hoạt động sản xuất kinh doanh tốt trở lại. Khi đó, năng lực trả nợ của bên vay sẽ tốt hơn. Tiếp đó, quá trình xử lý tài sản đảm bảo khi nền kinh tế hoạt động bình thường được thúc đẩy nhanh hơn, thị trường thanh lý tài sản đảm bảo sẽ diễn ra nhanh hơn, sôi động hơn và thanh khoản tốt hơn. Hiện nay, những hoạt động này đang diễn ra khá chậm chạp”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ