Những khối nợ khổng lồ khó đòi
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Gia Định (BIDV Gia Định) vừa thông báo bán phát mại 55 căn hộ tại dự án chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), tại đường 15B Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP HCM.
Các căn hộ The Era Town sẽ được phát mại với giá giảm 5% so với các đợt chào bán trước. Mức giá từ 2 đến 5,2 tỷ đồng/căn, diện tích dao động 135 - 368 m2, tương đương trung bình khoảng 14,8 triệu đồng/m2. Mức giá này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng chưa gồm 2% phí bảo trì. Thời hạn nhận hồ sơ mua căn hộ chậm nhất là ngày 22/8.
|
Tại thời điểm nộp hồ sơ, đơn vị mua tài sản thực hiện ký quỹ tối thiểu 10% giá bán tài sản tại tài khoản thanh toán BIDV. Trong vòng 7 ngày kể từ ngày ký quỹ, khách hàng thực hiện thanh toán đủ vốn tự có để mua tài sản và thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng (nếu có). Trường hợp khách hàng không thanh toán đúng theo thời hạn cam kết, ngân hàng sẽ không hoàn trả tiền ký quỹ. BIDV Gia Định hỗ trợ cho vay tối đa 60% giá mua theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Không phải là lần đầu BIDV thông báo bán phát mại căn hộ dự án The Era Town của chủ đầu tư Đức Khải. Trước đó khoảng 3 lần, ngân hàng đã rao bán phát mại. Đợt chào bán đầu tiên là 27 căn, diễn ra tháng 10/2019. Gần nhất vào tháng 2, BIDV Gia Định thông báo bán phát mại 65 căn hộ, trung bình khoảng 15,4 triệu đồng/m2.
The Era Town có diện tích hơn 10 ha, gồm 9 tháp với hơn 3.000 căn hộ, được bàn giao năm 2013. The Era Town là dự án do CTCP Đức Khải làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 4.800 tỷ đồng.
Trước đó,
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa rao bán khoản nợ 4.063 tỷ đồng đối với chủ đầu tư Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên. Tài sản rao bán là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP HCM); quyền tài sản của mỏ đá thuộc huyện Quốc Oai (Hà Nội). Trong đó, dự án Kenton Node có tên cũ là Kenton Residences, diện tích hơn 10 ha với 9 tòa nhà, gần 1.700 căn hộ. Theo quy hoạch, tổ hợp này gồm căn hộ ở, căn hộ lưu trú, khách sạn, trung tâm mua sắm, trung tâm dịch vụ ăn uống giải trí, nhà hát biểu diễn và trường học, phòng khám quốc tế.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2009 tuy nhiên bị dừng thi công vào năm 2011 do khó khăn về tài chính và bán hàng. Đến năm 2017, dự án được tái khởi động với tên mới Kenton Node, huy động được vốn tín dụng. Tuy nhiên, dự án bị ngừng thi công lần 2 vào năm 2018. Triển khai được 11 năm nhưng đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành một số hạng mục nhỏ, còn lại phần lớn đều dở dang, hoen gỉ sắt thép, xuống cấp.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ngày 18/3/2020 đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và một số công ty.
Cùng ngày 18/3, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra Quyết định tách vụ án hình sự số 07/CSKT-P13, tách hành vi BIDV cấp tín dụng cho Công ty Cổ phần Xi măng Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại BIDV.
7 công ty này có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu. Quá trình cho vay, BIDV đã có nhiều vi phạm, nhưng hiện tại ngân hàng này vẫn đang đôn đốc thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.
Tổng dư nợ của 7 doanh nghiệp này tại BIDV tạm tính lên đến hơn 5.730 tỷ đồng. Cùng với dư nợ tại BIDV, 7 doanh nghiệp này cũng đang có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng khác.
Cụ thể, Công ty Cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) có dư nợ tại BIDV là hơn 1.837 tỷ đồng và dư nợ tại 7 tổ chức tín dụng khác là 3.350 tỷ đồng (gồm Vietinbank hơn 1.234 tỷ đồng, VIB 224,5 tỷ đồng, MBBank là 224,5 tỷ đồng, OceanBank là 336,7 tỷ đồng, PVCombank là 1.059 tỷ đồng, VRB hơn 155 tỷ đồng, The Siam Commerical Bank là 114,5 tỷ đồng. Hiện công ty này đã dừng hoạt động, không có khả năng trả nợ.
Công ty Cổ phần Bò sữa Tây Nguyên dư nợ tại BIDV hơn 355 tỷ đồng, công ty này đã được cơ cấu nợ nhiều lần.
Công ty Cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai dư nợ tại BIDV là 723 tỷ đồng; dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là 2.588 tỷ đồng (Sacombank 262 tỷ, VPBank 1.781 tỷ, NCB 300 tỷ, TPBank 544 tỷ).
Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy có dư nợ tại BIDV là 412 tỷ đồng và dư nợ tại 1 tổ chức tín dụng khác là BaoVietBank 423 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Thuận Thảo – Nam Sài Gòn có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng. Công ty này đã được cơ cấu nợ nhiều lần nhưng vẫn không trả được nợ.
Công ty Cổ phần Tiến Phước và 990 có dư nợ tại BIDV là 1.823 tỷ đồng và dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là 273 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Thép Vạn Lợi có dư nợ tại BIDV là 350 tỷ đồng, hiện vẫn còn tài sản bảo đảm và đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Theo cơ quan điều tra, việc ra quyết định tách vụ án hình sự trên để chuyển cho Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước quản lý, theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm, cùng các khoản cấp tín dụng khác đã được nêu tại Kết luận Thanh tra số 3571/KL-TTGSNH1 ngày 20/10/2017 của Cơ quan TTGS NHNN.
Trên cơ sở kết quả xử lý, thu hồi nợ, nếu Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước xác định có sai phạm và thiệt hại, có dấu hiệu tội phạm hình sự, đề nghị chuyển Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Soi dàn máy lãnh đạo của BIDV
Ngày 13/3/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã tổ chức công bố các Quyết định nhân sự đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị BIDV và các Quyết định bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc BIDV.
Theo đó, được sự chấp thuận của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, căn cứ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông BIDV ngày 7/3, HĐQT BIDV đã công bố ông Lê Kim Hòa (Phó Tổng giám đốc BIDV) và ông Trần Xuân Hoàng (Phó Tổng giám đốc BIDV) được Đại hội thống nhất bầu đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022.
HĐQT BIDV cũng đã công bố các Quyết định bổ nhiệm ông Phan Thanh Hải (Trưởng khối Ngân hàng Bán buôn kiêm Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp lớn BIDV), ông Hoàng Việt Hùng (Giám đốc Ban Tổ chức nhân sự BIDV), bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao (Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Nội) và ông Trần Long (Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc BIDV. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm kể từ ngày 12/3/2020.
Với quyết định bổ sung nhân sự cấp cao mới, HĐQT BIDV hiện gồm Ông Phan Đức Tú là Chủ tịch HĐQT và 9 thành viên; Ban Điều hành BIDV gồm Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành và 11 thành viên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và một số Chi nhánh thuộc BIDV.
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/C03-P13 về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành, Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng, cùng ngày đã ra các Quyết định, Lệnh tố tụng đối với các đối tượng có liên quan, gồm:
Đối với bị can Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015, với hành vi sai phạm liên quan đến việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.
Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với Đoàn Ánh Sáng - nguyên Phó tổng giám đốc BIDV; Ngô Duy Chính - nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành; Nguyễn Xuân Giáp - nguyên Phó giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn khởi tố Phạm Hồng Quang, nguyên Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 BIDV, Chi nhánh Hà Thành; Đặng Thanh Nam, nguyên cán bộ Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 BIDV, Chi nhánh Hà Thành.
Về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam.
Ông Phan Đức Tú, ông Lê Ngọc Lâm và 16 người khác được xác định có liên quan đến vụ án Bình Hà, tuy nhiên xét trên nhiều yếu tố, Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chuyển Ngân hàng Nhà nước xem xét và quyết định xử lý phù hợp.
Tổng dư nợ đến thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án (tháng 11/2018) của Công ty Bình Hà là hơn 1.459,201 tỷ đồng. Trong đó không có khả năng thu hồi là 890,274 tỷ đồng.
Ngoài 5 bị can đã tiến hành khởi tố, CQĐT xác định 18 cá nhân khác tham gia vào việc thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay và giải ngân, liên quan đến hành vi phạm tội của ông Trần Bắc Hà.
Trong đó, có 9 người thuộc HĐQT và Phân Ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư là các ông/ bà Trần Thanh Vân, Ngô Văn Dũng, Nguyễn Huy Tựa, Lê Đào Nguyên, Phan Thị Chinh, Nguyễn Thị Kim Thanh, Đặng Xuân Sinh, Nguyễn Văn Lộc, Ngô Văn Dũng và ông Phan Đức Tú (riêng bà Phan Thị Chinh chỉ tham gia sửa đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ 6, không gửi ý kiến tham gia phê duyệt cho vay).
Trong đó, ông Phan Đức Tú (hiện là Chủ tịch HĐQT BIDV) trong thời gian xảy ra vụ án là Tổng Giám đốc, thành viên Phân ban QLRRTD,ĐT, chỉ tham gia Phân ban QLRRTD,ĐT để thẩm định, đề xuất phê duyệt cho vay và sửa đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ 6.
7 cá nhân thuộc Tổ thẩm định chung và Ban Khách hàng Doanh nghiệp và Ban Quản lý rủi ro tín dụng Hội sở, là các ông/ bà Lê Ngọc Lâm, Lê Kiên Nghị, Nguyễn Thái Thạch, Dương Thị Quỳnh Phương, Lưu Anh Vũ, Võ Hải Nam và Nguyễn Thị Lệ Thu. Trong đó, ông Lê Ngọc Lâm (hiện là Phó TGĐ phụ trách Ban điều hành BIDV) trong thời gian xảy ra vụ án là Phó TGĐ phụ trách Khách hàng Doanh nghiệp lớn, Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp, Tổ trưởng Tổ thẩm định chung.
|
Vụ án ông Trần Bắc Hà khiến hàng loạt lãnh đạo cấp cao BIDV dính lao lý |
Ngoài ra còn 2 cá nhân thuộc BIDV Hà Tĩnh là bà Đặng Thị Tuyết Mai và Lê Thị Lan Dao.
Ông Phan Đức Tú và ông Lê Ngọc Lâm đều được giao trọng trách mới từ ngày 15/11/2018 (cùng thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án). Theo đó, ông Phan Đức Tú trở thành Chủ tịch HĐQT; còn ông Lê Ngọc Lâm được giao phụ trách Ban điều hành BIDV.
Chỉ ra quá trình tham gia vào các quyết định quan trọng tạo nên đại án BIDV gây mất vốn của ngân hàng lên tới hơn 890 tỷ đồng, nhưng cơ quan CSĐT vẫn xác định rằng: Trách nhiệm chính, cao nhất và xuyên suốt dẫn đến sai phạm trên của BIDV Hội sở và Chi nhánh Hà Tĩnh thuộc về cá nhân ông Trần Bắc Hà.
Đối với 18 cá nhân liên quan, tuy mỗi người có trách nhiệm ở mỗi khâu thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho vay và giải ngân, nhưng mức độ thứ yếu, cơ bản không trực tiếp thẩm định và tiếp xúc với khách hàng; không bàn bạc và không biết mục đích và bản chất việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà của ông Trần Bắc Hà; bị ông Hà gây áp lực và áp đặt về thời gian, nên chỉ làm theo chức trách nhiệm vụ được giao, thẩm định trên bề mặt hồ sơ do các cấp trình lên.
Cùng với đó, khi phê duyệt các cá nhân này cũng đã đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, đồng thời đã giao chi nhánh quản lý chặt chẽ dòng tiền giải ngân và vốn tự có của Công ty Bình Hà; mong muốn Dự án đạt hiệu quả và không hưởng lợi bất chính.
Trong quá trình điều tra các cá nhân trên đã nhận rõ trách nhiệm và khai rõ hành vi của bản thân; tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ vụ án, tìm mọi biện pháp và giải pháp để thu hồi nợ và hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra.
Nhân Nghĩa (TH)/Sở hữu trí tuệ