Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thông tư 14 mở rộng phạm vi, giới hạn thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí đối với nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (thay vì từ 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021 theo quy định tại Thông tư 01).
Tuy nhiên, đối tượng chủ yếu các Ngân hàng thương mại hướng tới cơ cấu nợ, giảm lãi suất chủ yếu vẫn là doanh nghiệp. Trước nguyên nhân bất khả kháng, do dịch bệnh dẫn đến mất khả năng trả nợ, đặc biệt những khu vực đang phải áp dụng biện pháp giãn cách theo yêu cầu của Chính phủ là TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam, nhiều khách hàng cá nhân cũng đồng loạt kiến nghị ngân hàng (NH) giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với người dân.
|
Được biết, lãi suất vay mua nhà, vay tiêu dùng hiện nay vẫn rất cao từ 10,5-12%/năm. Mặc dù có thông tin về việc ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhiều khoản vay của khách hàng cá nhân vẫn không nằm trong diện tái cơ cấu lại nợ cũng như miễn, giảm lãi, phí cho vay.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh N.T.V. (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết tháng 7/2020 vay ngân hàng 300 triệu đồng để mua ôtô chạy Grab mưu sinh. Lãi suất cho vay thời điểm đó là 9,7%/năm. Ngay sau khi hết thời hạn mà ngân hàng nói ưu đãi, lãi suất tăng lên 12,7%/năm.
"Tôi rất sốc vì lãi suất cho vay lại tăng quá cao trong khi vì dịch Covid-19, thành phố giãn cách 3-4 tháng nay, tôi không có thu nhập. Hằng tháng, nhận được tin báo đòi nợ của ngân hàng, tôi như ngồi trên đống lửa.
Tôi đã đề nghị ngân hàng giảm lãi nhưng không được chấp thuận vì ngân hàng cho tôi vay tiêu dùng chứ không phải vay chạy Grab. Vì vậy không thể lấy lý do này để đề nghị giảm lãi hay cơ cấu nợ, giãn nợ" - anh V. nói và cho hay luôn phải lo nợ quá hạn sẽ bị phạt, sau này muốn vay ngân hàng cũng khó, trong khi suốt ba tháng qua, tiền để mua thực phẩm trang trải cho gia đình còn phải tằn tiện thì biết xoay ở đâu để trả nợ ngân hàng bây giờ.
Theo Báo Phụ nữ TP.HCM, chị Hồng Linh (Quận Bình Tân) có khoản vay khoảng 1 tỉ đồng tại NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tổng tiền gốc và lãi phải đóng là 11,8 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị đã thất nghiệp suốt bốn tháng qua, số tiền dành dụm cả năm trước được dùng hết cho việc trả nợ NH và chi tiêu trong gia đình.
“Ngân hàng có thông báo giảm lãi 0,5% trên dư nợ đang vay. Nhưng với tình cảnh hiện tại, tôi mong được cơ cấu nợ khoảng 2-3 tháng hơn là giảm lãi. Bởi cơ cấu nợ thì có một khoảng thời gian không phải đóng, còn giảm lãi thì vẫn phải đóng hằng tháng. Tôi đã báo NH mất khả năng trả nợ, đề nghị được cơ cấu nợ và ngưng đóng tiền từ tháng 9. Nếu có tiền lãi phạt quá hạn hoặc thậm chí nhảy nhóm nợ tôi cũng chịu” - chị Linh nói.
Giám đốc chi nhánh một NH thương mại tại TP.HCM cho biết, năng lực của NH có hạn nên không phải trường hợp nào yêu cầu cũng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nên việc thẩm định mức độ ảnh hưởng của khách cũng rất khó khăn.
Theo Thanh Niên, anh Trần Giang Nam, một người dân ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết mình cũng đang vay tiền tại ngân hàng TP Bank mỗi tháng trả lãi suất hơn 41 triệu đồng, trong đó trả gốc là hơn 12,6 triệu đồng và lãi là hơn 28,7 triệu đồng.
Anh Nam và rất nhiều khách hàng cá nhân, doanh nghiệp đang gồng mình trả lãi ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, khó khăn bủa vây, thu nhập giảm, doanh thu không có nên "một lần nữa tha thiết mong Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo kịp thời giữa lúc nước sôi lửa bỏng này giảm lãi suất cho người dân".
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM trao đổi với Tuổi trẻ cho biết, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 14, theo đó các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Ngoài ra các ngân hàng cũng được cơ cấu lại các khoản phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022.
Do vậy người vay nên đọc kỹ quy định của Thông tư này, nếu thuộc diện theo quy định thì có thể làm đơn đề nghị gửi đến ngân hàng cho vay. Trường hợp bị từ chối, người vay có thể gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước.
Được biết, Thông tư 14 chủ yếu quy định về khoảng thời gian các ngân hàng được cơ cấu nợ và không giới hạn cụ thể đối tượng, mục đích vay. Do vậy sẽ tùy ở quyết định của các ngân hàng mà người vay có được giãn nợ, giảm lãi suất hay không.