Mục tiêu xây dựng một ngành ngân hàng Việt Nam lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia bền vững được đánh dấu bởi những bước tiến đáng kể trong việc tái cấu trúc ngành ngân hàng, giảm số lượng ngân hàng yếu kém, nâng cao năng lực của các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt là về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, hệ số an toàn vốn và năng lực quản trị. Trong khuôn khổ đó, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 51/NQ-CP, trong đó có nhấn mạnh đến 2020, các NHTM triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II.
Sau khi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) được Thống đốc trao quyết định được áp dụng Basel II trước thời hạn 1 năm, ngành ngân hàng đã chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ của nhóm các ngân hàng TMCP tư nhân và một số ngân hàng nước ngoài trong việc chạy nước rút để tuân thủ với Basel II.
Đến nay, chỉ còn 20 ngày nữa sẽ đến thời hạn áp dụng chuẩn Basel II theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Tính đến thời điểm này còn nhiều ngân hàng chưa hoàn thành áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel II.
Đau đầu chuyện tăng vốn
Thời gian bắt đầu đếm ngược khiến các ngân hàng phải gấp rút triển khai biện pháp để đạt chuẩn Basel II và NHNN cũng đang thúc đẩy bằng cách cho thấy những “ưu ái” với các đơn vị hoàn thành trước hạn. Làm thế nào để tăng vốn được cho là là câu chuyện đang "nóng" nghành ngân hàng ở những ngày cuối cùng của kì hạn.
|
Ngày 1/1/2020 là thời hạn cuối mà các ngân hàng phải đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Ngoài BIDV có kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng khác đều có kế hoạch tăng vốn chủ yếu từ chia cổ tức bằng cổ phiếu và huy động trái phiếu, nhưng gặp không ít khó khăn.
Với những ngân hàng lớn, hay một số ngân hàng có tình hình tài chính khả quan, mức tăng trưởng tốt thì cổ đông sẵn sàng đồng thuận với kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu. Đặc biệt, với các ngân hàng trả cổ tức sòng phẳng, thì cổ đông sẵn sàng bỏ tiền đầu tư mua thêm cổ phần. Tuy nhiên, những ngân hàng nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn.
Tiếp tục thực hiện Basel II nhưng quy định về an toàn vốn tối thiểu được nâng cao hơn rất nhiều
Nhà đầu tư trên sàn MBS - ông Nguyễn Tiến Đông- cho biết, khi không còn nhìn thấy lợi ích ở ngân hàng, cổ đông cũng không mặn mà bỏ vốn đầu tư, nhất là khi thị trường đang có nhiều kênh sinh lời hấp dẫn hơn là đầu tư vào các ngân hàng nhỏ. Hơn nữa, Thông tư 41/2016/TT- NHNN có những quy định chặt chẽ hơn về dòng vốn, sẽ không còn hiện tượng “vốn ảo”, mà đòi hỏi phải có “cần tiền tươi thóc thật” sẽ đẩy các ngân hàng nhỏ vào thế khó.
Trước mắt, nếu các nhà băng chưa có khả năng áp dụng Basel II được tiếp tục thực hiện theo các quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Tuy nhiên, quy định về an toàn vốn tối thiểu được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Các chuyên gia cho rằng, đó chỉ là "lối thoát" tạm thời, bởi việc thực hiện theo chuẩn Basel II là yêu cầu bắt buộc để tiến tới áp dụng chuẩn Basel III. Do đó, các ngân hàng nhỏ buộc phải tìm cách đáp ứng chuẩn Basel II.
Nếu những ngân hàng nhỏ không đáp ứng được các tiêu chí để đáp ứng chuẩn Basel II, sẽ phải “bán mình cứu lấy ngân hàng” bằng phương án sáp nhập như PGBank đã ký thỏa thuận sáp nhập vào HDBank. Tuy nhiên, phương án này cũng không dễ thực hiện với PGBank khi ngân hàng này đã "lận đận" trong thương vụ M&A với Vietinbank, rồi đến HDBank, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ