MSB: 'Cục máu đông' tại VAMC khiến cổ đông ấm ức về cổ tức và lời hứa suông?

Theo SHTT 06:06 25/06/2020

Với các cổ đông, quyết định không chia cổ tức này không mang lại nhiều niềm vui, dù theo các ngân hàng, đây là sự "đánh đổi" cho những phát triển sau này.

Mở hàng cho mùa Đại hội 2020, Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) là một trong số các ngân hàng đầu tiên tổ chức ĐHĐCĐ năm 2020 sau giai đoạn các ngân hàng phải hoãn ĐHĐCĐ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Năm 2019 là một năm thành công của MSB khi ngân hàng đã đạt được tăng trưởng mạnh ở hầu hết chỉ tiêu quan trọng. Tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.287 tỉ đồng, tăng hơn 22% so với năm 2018.

Tuy nhiên, cổ đông đều chung cảnh "lại một năm không cổ tức". Với các cổ đông, những quyết định này không mang lại nhiều niềm vui, dù theo các ngân hàng, đây là sự "đánh đổi" cho những phát triển sau này.

Cụ thể, ĐHCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 22/5 vừa qua, cổ đông MSB thắc mắc tại sao không dùng khoản lợi nhuận còn lại giá trị gần 900 tỷ của năm 2019 để chia cổ tức (tỷ lệ 5%), ông Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch HĐQT MSB cho biết, Ngân hàng sẽ không chia cổ tức khi chưa xử lý xong nợ xấu, nhưng đây mới là giả định trong điều kiện tốt.

Theo ông Quang, hiện tại, MSB còn 900 tỷ đồng nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đến quý III/2020 sẽ xử lý xong.

Bởi, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước nếu ngân hàng chưa xử lý hết nợ tại VAMC sẽ không được chia cổ tức, dù đó chỉ là nơi giữ nợ tạm thời. VAMC có ý nghĩa rất lớn với các ngân hàng. Nhờ nợ ngoại bảng được gửi tại VAMC, các ngân hàng đã có thời gian phục hồi sức khỏe, có nguồn lợi nhuận để từ đó quay lại xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC chỉ là giải pháp tạm thời, một khi các ngân hàng đã qua tình trạng “nguy kịch”, việc đưa nợ xấu về một sổ duy nhất để quản lý là cần thiết.

Việc ngân hàng chạy đua mua nợ tại VAMC không chỉ do thời hạn 5 năm sắp kết thúc, mà còn là để tránh nguy cơ nhận “án phạt” từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, theo dự thảo quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN, NHNN bổ sung quy định: “Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán”.

Tuy nhiên, câu trả lời của vị Phó chủ tịch HĐQT vẫn chưa thỏa mãn được các cổ đông, những "người chủ" của ngân hàng liên tục phản ứng vì cho rằng "lợi ích của cổ đông thiểu số tại Maritime Bank không được đảm bảo". Có lẽ đây cũng là câu trả lời chung của nhiều NHTM khác cho vấn đề này.

Bởi điều gì?

Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) hết quý I/2020, tổng số “nợ xấu” nội bảng vẫn ở mức hơn 1.432 tỷ đồng, tăng 10,2% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn đang ở con số 986 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 2,18% trên tổng dư nợ, so với mức 2,04% hồi đầu năm.

Phần mục “nợ xấu” ngoại bảng tại VAMC của MSB cũng đang ghi nhận con số 1.533 tỷ đồng, trong đó trong đó đã trích lập dự phòng gần 333 tỉ đồng.

Đáng chú ý, tỷ lệ an toàn vốn CAR hợp nhất của MSB đạt 10,54% (so với mức 8% quy định của NHNN).

Với con số này liệu này, cổ đông có con niềm tin vào Chủ tịch Trần Anh Tuấn? Và kế hoạch đặt ra như lời ông Phó chủ tịch HĐQT trấn án các cổ đông đến quý III/2020 sẽ xử lý xong có thành hiện thưc?

Về kế hoạch niêm yết, ban lãnh đạo ngân hàng cũng đã cập nhật tình hình chuẩn bị niêm yết lên sàn chứng khoán trước những diễn biến bất lợi của thị trường trong quí I/2020. Do đó, ban lãnh đạo đã xin ý kiến cổ đông về việc tạm hoãn hồ sơ niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) và sẽ tái khởi động việc niêm yết vào thời điểm thị trường thuận lợi hơn.

Việc cổ đông không được chia cổ tức là chuyện khá phổ biến ở nhiều mùa ĐHCĐ trước. Thậm chí như Techcombank, năm nay nữa là gần 10 năm cổ đông không nhận được cổ tức. “Cơm chưa ăn, gạo còn đó” nhưng nhiều cổ đông vẫn muốn “tiền tươi thóc thật”.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, MSB vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao: tăng tài sản thêm 8% lên 170.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 10% đạt 99.000 tỷ đồng; tín dụng tăng 20% đạt 81.500 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.439 tỷ đồng… Trong khi đó VPBank lại khiêm tốn với kế hoạch: tổng tài sản tăng 12,7% lên 425.132 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá lên kế hoạch đạt 299.728 tỷ đồng; và dư nợ cấp tín dụng 304.744 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu đạt 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019. SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 1.506 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm trước, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng hơn hai lần của năm 2019…

Việc các NHTM điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng không còn khả quan như công bố hồi cuối năm 2019 là tất yếu. Bởi, hệ thống ngân hàng đã, đang triển khai đồng loạt nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng với nguồn lực “ăn” vào lợi nhuận. Không những thế, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19. Các NHTM đều chuẩn bị tinh thần cho nợ xấu tăng, nhưng mục tiêu hướng đến của họ vẫn là kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% nhằm giảm thiểu tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng những năm sau này.

Minh Quân/Sở hữu Trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết MSB: 'Cục máu đông' tại VAMC khiến cổ đông ấm ức về cổ tức và lời hứa suông? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất