BaoViet Bank, SCB tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép: Nhà băng đối diện rủi ro gì?

CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM 06:43 23/07/2021

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng tự ý cấp tín dụng vượt hạn mức cho phép sẽ tác động đến nền kinh tế ở cả 2 mặt tiêu cực và tích cực.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 2,79%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; giảm lãi suất điều hành 02 lần.

Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, đạt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%.

Tuy nhiên, theo báo cáo, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank) vượt 13.656 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vượt 8.654 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) vượt 3.153 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng ngoại gồm: Ngân hàng Shinhan Bank vượt 132 tỷ đồng, Ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh vượt 192 tỷ đồng, Ngân hàng Busan - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh vượt 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga vượt 69 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, KTTN cũng chỉ ra một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác…

Trước đó, theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 10 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, KTNN cũng chỉ rõ một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank) 568 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) 443 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) 427 tỷ đồng, Công ty Tài chính Kexim Việt Nam 354 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) 124 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) 30 tỷ đồng.

Như vậy, đây không phải lần đầu các nhà băng như PVcomBank, BaoViet Bank bị Kiểm toán Nhà nước “điểm danh” tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép.

Vấn đề trên đang gây nhiều băn khoăn cho dư luận, đặc biệt là giới tài chính, ngân hàng. Để phân tích rõ hơn vấn đề, phóng viên đã có cuộc trao đổi với một chuyên gia tài chính ngân hàng.

Theo đánh giá của vị này, việc ngân hàng tự ý cấp tín dụng vượt hạn mức cho phép sẽ tác động đến nền kinh tế ở cả 2 mặt tiêu cực và tích cực.

Về hướng tích cực, khi tín dụng ngân hàng tăng trưởng mạnh, nghĩa là đã cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế. Nền kinh tế dựa rất nhiều vào nguồn vốn ngân hàng. Như vậy, các ngân hàng cung cấp vốn cho nền kinh tế là điều tốt. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, các doanh nghiệp đang rất cần vốn. Doanh nghiệp giảm doanh thu và tính thanh khoản, khả năng chi trả xuống thấp nên nguồn vốn của ngân hàng là nguồn máu mà nền kinh tế cần.

Tuy vậy, ở khía cạnh tiêu cực, các ngân hàng cho vay mạnh tay trong lúc này sẽ rất nguy hiểm, vì sức khỏe nhiều doanh nghiệp đang suy giảm. Nếu không cẩn thận, ngân hàng phải chấp nhận rủi ro cao.

Thứ hai, lúc này nền kinh tế cần sự chấn chỉnh, tái cấu trúc lại để đi vào hoạt động lành mạnh hơn. “Nếu vốn đổ vào nền kinh tế nhiều nó có thể chảy vào những lĩnh vực đầu cơ, vào tài sản có nguy cơ rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Khi đó, dòng tiền không chảy vào sản xuất kinh doanh mà vào hoạt động đầu cơ có thể tạo ra bong bóng, tiêu cực”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo vị này, thời gian qua, nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng cũng chứng kiến một loạt làn sóng “sốt đất” cục bộ tại nhiều địa phương. Tình trạng này đã bắt đầu âm ỉ từ thời điểm cuối năm 2019, sau đó dòng tiền đổ dồn đầu tư bất động sản tăng vọt tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh khoản tăng nhanh chóng mặt.

Đặc biệt, hồi tháng 2/2021, khi dịch bùng phát mạnh ở Hải Dương, Quảng Ninh là thời điểm mức độ quan tâm BĐS tăng đáng kể. Đây cũng là giai đoạn cơn “sốt đất” diễn ra mạnh mẽ. Có thể thấy, hiện tượng giá đất tăng chóng mặt thời gian qua đã khiến thị trường nhà đất chao đảo theo những cơn sóng ảo khó tin.

Từ thực trạng đó, theo giới chuyên gia, nếu không kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ vỡ “bong bóng” sẽ xảy ra hiện hữu. Chính vì thế việc kiểm soát tốt dòng tiền, tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro sẽ làm giảm nỗi lo đối với thị trường tài chính tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Link gốc : http://vietq.vn/baoviet-bank-scb-tang-truong-tin-dung-vuot-muc-cho-phep-nha-bang-doi-dien-rui-ro-gi-d189188.html

Bạn đang đọc bài viết BaoViet Bank, SCB tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép: Nhà băng đối diện rủi ro gì? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất