Tín hiệu tích cực về khoản nợ cho ACB
Trả lời chất vấn của cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 16/6, ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, 6 công ty có mối quan hệ đặc biệt với ngân hàng trong giai đoạn 2012 thông qua ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) còn dư nợ gốc 806 tỷ đồng và nợ lãi khoảng 1.000 tỷ đồng. Khoản nợ này bao gồm trái phiếu, nợ vay và khoản phải thu.
|
Tuy nhiên, ACB cho biết giá trị đảm bảo cho toàn bộ khoản nợ gốc xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Hơn nữa, khoản tiền 806 tỷ đồng có khả năng thu hồi nợ trong thời gian tới và đã trích lập dự phòng 100%. Nếu thu hồi được, lợi nhuận ACB sẽ tăng thêm 806 tỷ đồng.
"Nỗ lực của ban điều hành với việc xử lý nợ 6 công ty này rất tích cực. Ngân hàng đã trích lập dự phòng toàn bộ 806 tỷ đồng nên giờ thu hồi được bao nhiêu, lợi nhuận tăng bấy nhiêu", ông Toàn nói.
|
Họp ĐHĐCĐ thường niên của ACB diễn ra sáng ngày 16/06/2020. |
Nếu muốn bán tài sản này phải có người mua phù hợp, mất nhiều thời gian và còn phụ thuộc sự hợp tác của các bên liên quan. Những tài sản có tính thanh khoản cao đã được ngân hàng bán trước. Trong khi đó, những tài sản khó thanh lý thì cần thêm thời gian để "mông má" và tìm bên mua. Quá trình xử lý nợ cũng phát sinh nhiều vấn đề. Vì thế, có thể mất 2 năm để ACB thu hồi các khoản nợ này trong năm 2020 và 2021.
ACB: Nhịp độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại?
Tổng giám đốc ACB ông Đỗ Minh Toàn cho hay, mục tiêu của ACB trong năm nay là kiểm soát nợ xấu 1-2%. Theo lãnh đạo ACB, hiện đang có dịch bệnh, Ban điều hành đưa ra dự kiến nếu xấu nhất, Ngân hàng vẫn kiểm soát được.
"Hy vọng đến cuối năm 2020, nợ xấu sẽ về dưới 1%. Khách hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng bị gián tiếp, ACB chưa dự báo được những tác động tiêu cực mà khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tình hình rõ nét nhất phải đến cuối quý III mới thấy. Do vậy, HĐQT đưa ra mức 2% nợ xấu tối đa", ông Toàn nói.
ĐHĐCĐ của ACB đã thông qua kế hoạch năm 2020 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 7,636 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 12%, tín dụng tăng 11.75% (chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 của ACB được NHNN giao tối đa là 11.75%). Chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%.
Cũng theo ông Toàn, khi thực hiện chủ trương của NHNN hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ACB đã dành 35.000 tỷ đồng hỗ trợ, cho vay mới và hạ lãi suất so với khoản vay trước 1%.
Các khoản vay mới giải ngân thấp hơn 1% so với mặt bằng cho vay chung để giữ mối quan hệ với khách hàng. Các tháng vừa qua, tín dụng của ACB đã tăng trưởng.
Lý giải về nhịp độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại, ông Toàn cho biết, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư cho phép các nhà băng được nắm quyền tự quyết tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ACB cũng thống nhất "hi sinh" thu nhập từ hoạt động cho vay. Biên sinh lời cho vay năm nay dự kiến có thể giảm tối đa 50 điểm, tức chỉ còn 2,9% và là mức thấp nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng.
"Chúng tôi cho rằng, lợi nhuận có thể cao thấp theo từng năm nhưng quan trọng nhất là phải bền. Ngân hàng mạnh hay yếu, bền vững hay không là nhờ khách hàng nên đây là một biện pháp để giữ mối quan hệ dài hơi", ông Toàn nói. Đồng thời ông cho biết thêm, tổng quy mô dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không quá 15.000 tỷ đồng.
ACB dự kiến tăng vốn điều lệ năm 2020 từ chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông cho cổ đông với tỷ lệ 30%. Gần 1.7 triệu cp phổ thông sẽ được chia cổ tức năm 2019 từ 6,270 tỷ đồng lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi trích lập đầy đủ các quỹ của năm 2019.
Vốn điều lệ tối đa dự kiến tăng thêm hơn 4,988 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức 16,627 tỷ đồng lên gần 21,616 tỷ đồng. Việc tăng vốn dự kiến hoàn thành trong quý 4/2020.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ