Các "ông lớn" ngân hàng giảm lãi suất
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố tiếp tục giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18/8/2021 đến hết 31/12/2021. Đối tượng áp dụng với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là đợt giảm lãi suất thứ 9 của Vietcombank để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai tính từ đầu năm 2020 đến nay.
Cụ thể, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương; Giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Ngân hàng chấp nhận giảm thu nhập chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. (Ảnh: Internet)
Cùng chung mục tiêu hỗ trợ nhóm khách hàng đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã công bố dành nguồn ngân sách lên đến 1.000 tỷ đồng để thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu, đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp từ nay đến 31/12/2021.
Theo đó, BIDV thực hiện giảm 0,5 - 1,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort….. Ngân sách BIDV dành hỗ trợ đối với dư nợ hiện hữu, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn, lên đến 800 tỷ đồng.
Đặc biệt, các khách hàng đã từng được áp dụng các chính sách lãi suất cho vay ưu đãi khác vẫn tiếp tục được BIDV hỗ trợ trong chương trình này.
Ngoài ra, BIDV triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Dự kiến, nguồn lực hỗ trợ đối với gói tín dụng này vào khoảng 200 tỷ đồng.
Còn tại Vietinbank, bên cạnh chính sách miễn giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng tiếp tục triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng. Trước đó từ tháng 7/2021, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay lên tối đa 1%/năm đồng loạt đối với tất cả khoản dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã thực hiện giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2021. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố mức giảm lãi suất phổ biến là 1%/năm cho khách hàng gặp khó khăn, áp dụng từ ngày 15/7/2021. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn; HDBank cũng giảm lãi suất cho vay bình quân 1%/năm và cao nhất lên đến 2%/năm đối với các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 từ ngày 15/7.
Sẽ tăng cường giám sát cam kết giảm lãi suất
Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến ngày 26/7/2021, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến 26/7/2021, đã thực hiện gia hạn nợ cho 191.235 khách hàng với dư nợ 4.723 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.192.080 khách hàng với số tiền 118.103 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng gay gắt và diễn ra trên diện rộng tại 42 tỉnh, thành phố, rất nhiều tỉnh, thành đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khó khăn tác động rất lớn đến tất cả các loại hình doanh nghiệp, những khó khăn này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra và có những biện pháp giải quyết trong nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều Nghị quyết, chương trình hành động để hỗ trợ, tháo gỡ, đáp ứng “mục tiêu kép” vừa chống dịch bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như đảm bảo nền kinh tế không bị gián đoạn, hạn chế giảm sút.
|
Thực hiện chỉ đạo nói trên của Chính phủ, trong năm 2020 và 7 tháng năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.
Ngay từ khi có dịch Covid-19, một trong những giải pháp mà nhà điều hành triển khai rất quyết liệt, đồng bộ đó là ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2.000.000 tỷ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp và ngành nghề.
Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trước tình hình dịch lan rộng ở các địa phương, đặc biệt là tỉnh phía nam, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm tiếp lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua 2 nguồn gồm: Cắt giảm tối đa chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận.
Do vậy, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận và cam kết sẽ giảm tiếp lãi suất cho các đối tượng, với tinh thần khó khăn nhiều giảm nhiều, khó khăn ít giảm ít. 16 ngân hàng cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm tổng số 20.300 tỷ đồng thông qua các nguồn trên.
Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) cũng đã đồng thuận giảm thêm 4.000 tỷ đồng nữa cho các địa phương như TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ. Đồng thời, 4 ngân hàng này cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ tại TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh đặc biệt khó khăn bởi dịch bệnh.
“Việc giảm lãi suất và giảm phí này là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, để đảm bảo việc giảm phí, giảm lãi suất một cách thực chất cũng như đảm bảo việc tiếp cận vốn lãi suất rẻ của các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết trên của các ngân hàng thương mại để làm sao từ nay đến cuối năm, những cam kết này sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Việc triển khai quyết liệt giảm lãi suất thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và thực hiện tinh thần của Thủ tướng Chính phủ trước sự khó khăn cấp bách của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Bên cạnh giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng.
Doanh nghiệp và ngân hàng cần phải có sự thấu hiểu TS. Bùi Duy Tùng, giảng viên Kinh tế - Đại học RMIT cho rằng, giữa doanh nghiệp và ngân hàng cần phải có sự thấu hiểu, chia sẻ và có những quyết sách phù hợp. Theo ông Tùng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực vượt qua đại dịch, hệ thống ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, giúp lưu thông vốn từ nơi thừa vốn đến khu vực thiếu vốn. Các Ngân hàng thương mại Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành vai trò của họ trong việc thúc đẩy lưu thông vốn. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, một số yếu tố khách quan của thị trưởng đã làm cho dòng chảy vốn khó khăn hơn: Đầu vào nguyên nhiên vật liệu khan hiếm do giãn cách không lưu thông được; sản xuất bị đình trễ, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho tăng; công nợ nhiều, nhà máy, xưởng sản xuất cầm chừng, vừa làm vừa chống dịch; các công trường, công trình ngưng hoạt động, chi phí không giảm mà còn tăng cao… Do vậy, giữa doanh nghiệp và ngân hàng càng phải thấu hiểu, cần chia sẻ và cần đứng ở vị trí của nhau để nhìn nhận đánh giá trong mối quan hệ giữa hai bên để cùng “vượt khó”, nếu không thì cả hai sẽ đều bị “ngã”. Còn theo chuyên gia Kinh tế - Tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện tại, dư địa giảm lãi vay của hệ thống ngân hàng đã chạm đáy, nếu giảm nữa có thể sẽ gây rủi ro cho chính ngân hàng. Theo ông Hiếu, các ngân hàng đang báo cáo lợi nhuận tăng trưởng tốt, song thực tế là một lượng lớn nợ xấu đang được “trì hoãn” bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN (cho phép giãn thời hạn cơ cấu lại nhóm nợ cũng như kéo dài thời gian trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu). Khi thông tư này hết hiệu lực, nợ xấu sẽ “bùng lên” và ngân hàng buộc phải lấy lợi nhuận để trích lập dự phòng. Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng họ vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống một cách cao nhất. |