Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông cho biết, vượt lên những biến động của nền kinh tế nói chung, ngành tài chính ngân hàng nói riêng, trong năm 2022, LPB đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Đại hội đồng cổ đông giao phó, tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 5.690 tỷ đồng, tăng trưởng 56% so với năm 2021.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của LPB tăng 13%, đạt 327.746 tỷ đồng; huy động thị trường 1 đạt hơn 250.936 tỷ đồng và cho vay thị trường 1 đạt hơn 235.767 tỷ đồng, tăng tương ứng 16% và 12,8% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 15 năm hoạt động của Ngân hàng.
|
Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch Hội đồng quản trị phát biểu khai mạc Đại hội đồng cổ đông. |
Song song với đó, ngân hàng chú trọng đẩy mạnh các hoạt động quản lý rủi ro, kiểm soát chất lượng tín dụng. Các tỷ lệ an toàn hoạt động của LPB tiếp tục duy trì và bảo đảm an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng thực hiện tăng trích lập dự phòng để tạo “bộ đệm” vững vàng cho khả năng sẵn sàng chống chịu trước những rủi ro tín dụng tiềm ẩn trong trung-dài hạn.
Cũng trong năm 2022, LPB hoàn thành triển khai đồng thời hai chuẩn mực Basel III và IFRS9, hai chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro và báo cáo tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Tại Đại hội, các Cổ đông đã thống nhất thông qua các báo cáo quan trọng và kế hoạch 2023 với sự đồng thuận cao. Đại hội đã nhất trí phương án tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu.
Bao gồm: phát hành cho Cổ đông hiện hữu 500 triệu cổ phiếu (5.000 tỷ đồng), phát hành 10 triệu cổ phiếu (100 tỷ đồng) theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu (3.000 tỷ) cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng lên 15,5%.
Đặc biệt, LPB sẽ chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu lên tới 19% từ việc phát hành 329 triệu cổ phiếu (3.285 tỷ đồng). Việc tăng vốn nhằm củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung-dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hằng năm.
LPB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 là 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022, điều này phản ánh nỗ lực và quyết tâm của Ngân hàng trong việc bảo đảm lợi ích cho khách hàng và cổ đông giữa bối cảnh dự báo kinh tế 2023 còn nhiều thách thức.
|
Ban Điều hành Đại hội cổ đông LPB 2023. |
Đại hội cũng đã bỏ phiếu bầu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ IX (2023-2028). Với tỷ lệ đồng thuận cao, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua 7 thành viên Hội đồng quản trị và 4 thành viên Ban Kiểm soát. Hội đồng Quản trị mới gồm: ông Nguyễn Đức Thụy, ông Huỳnh Ngọc Huy, ông Lê Hồng Phong, ông Nguyễn Văn Thùy, ông Lê Minh Tâm, ông Hồ Nam Tiến và ông Bùi Thái Hà. Ban Kiểm soát mới gồm: bà Dương Hoài Liên, ông Trần Thanh Tùng, bà Nguyễn Thị Lan Anh và ông Nguyễn Phú Minh.
Đây đều là các nhân sự cấp cao có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, có đầy đủ khả năng để dẫn dắt LPB hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững cả về quy mô lẫn chất lượng trong tương lai.
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, LPB đã đạt được những cột mốc quan trọng trên hành trình trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, giữ vững vị thế là Ngân hàng Thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất với hơn 1.200 điểm giao dịch trên cả nước.
Trong giai đoạn 2023-2028, với định hướng chiến lược rõ ràng của Hội đồng Quản trị, Ban lãnh đạo, tinh thần đoàn kết nhằm đổi mới toàn diện của tập thể cán bộ nhân viên cùng sự ủng hộ của quý cổ đông, đối tác và khách hàng, LPB được kỳ vọng sẽ bắt đầu một hành trình phát triển mạnh mẽ hơn.
Bảo Quyên - VietQ