Lợi nhuận kỷ lục
Theo kết quả kinh doanh quý I vừa công bố, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội trong 3 tháng đầu năm đạt lợi nhuận trước thuế hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ và hoàn thành khoảng 35% so với kế hoạch kinh doanh đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua mới đây.
Đến cuối quý I, quy mô cấp tín dụng của SHB đạt khoảng 423 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn huy động trên thị trường 1 (các tổ chức kinh tế và dân cư) đạt khoảng 440 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của SHB đã đạt khoảng 571,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cuối năm 2022.
Trong đó, SHB đã trải qua một năm 2022 với nhiều thành tích ấn tượng, trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng suy giảm. Lãi sau thuế của SHB trong năm ngoái lên tới 7.729 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2021, và là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động, bằng 2 năm 2020-2021 cộng lại.
Trong năm qua, SHB cũng đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 26.674 tỷ đồng lên 30.674 tỷ đồng, thuộc top khá ở trong nước, giúp ngân hàng nâng cao tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô cho vay, đầu tư vào công nghệ thông tin, đẩy mạnh quá trình số hoá, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, hàng đầu.
|
Đằng sau lợi nhuận kỷ lục của SHB trước khi kén "rể ngoại" |
Chặng đường phát triển suốt gần 20 năm qua của SHB gắn liền với vai trò của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển. Từ khi mua lại Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái giai đoạn 2005-2006, vị doanh nhân họ Đỗ đã chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn sang đô thị, chuyển trụ sở từ Cần Thơ ra Hà Nội năm 2008, rồi niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) năm 2009.
Trong 5 năm 2006-2011, tổng tài sản của SHB tăng gấp 55 lần, từ 1.322 tỷ đồng lên 70.990 tỷ đồng, vốn cổ phần tăng gấp 10 lần lên 4.816 tỷ đồng, biến nhà băng này trở thành cái tên đáng chú ý trong khối các nhà băng tư nhân, đặc biệt ở thị trường phía Bắc.
Năm 2012, thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, SHB thực hiện sáp nhập với Ngân hàng Habubank. Thương vụ M&A giúp quy mô của SHB tăng lên đáng kể, song cũng mang tới nhiều hệ luỵ với nợ xấu tăng cao, kèm khoản lỗ luỹ kế 1.661 tỷ đồng.
Dù gặp không ít khó khăn, song SHB sau 1 thập kỷ vẫn đã đạt những kết quả tích cực. Tổng tài sản đến cuối quý năm 2022 đạt 550.904 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cuối năm 2012, vốn điều lệ tăng gấp 3,5 lần, huy động và tín dụng tăng gấp lên 4,7 lần và 6,8 lần, lên 361.676 tỷ đồng và 378.575 tỷ đồng, và là nhà băng có thị phần khá lớn hiện nay.
Thách thức chờ đón
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mới tổ chức, cổ đông SHB đã thông qua phương án tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
SHB cho biết, từ đầu năm 2022, ngân hàng đã triển khai làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức, định chế tài chính lớn. Tuy nhiên, cuối năm 2022 thị trường tài chính và chứng khoán của thế giới và Việt Nam có nhiều biến động, dẫn đến định giá công ty niêm yết nói chung và các ngân hàng nói riêng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Dù vậy, để hướng tới vị thế của một ngân hàng tư nhân hàng đầu ở Việt Nam và thực sự là "cô gái đẹp" có thể kén được những "chàng rể ngoại" gắn bó lâu dài như Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển ví von, ông cùng các cộng sự chắc hẳn hãy còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cùng khủng hoảng thị trường trái phiếu, bất động sản đang tác động tiêu cực và sâu sắc tới hệ thống ngân hàng, mà những con số trên báo cáo kết quả hoạt động của SHB chưa thực sự thể hiện hết những thách thức của nhà băng này.
Với một ví dụ đơn cử, báo cáo kết quả kinh doanh thể hiện thu nhập lãi trong năm 2022 của SHB đạt 40.774 tỷ đồng, tuy nhiên báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện số lãi thực nhận chỉ là 31.743 tỷ đồng, tức là có tới hơn 9.000 tỷ đồng thu nhập lãi chưa nhận được.
Hệ quả là số dư lãi phí phải thu của SHB tăng rất mạnh trong năm 2022, với biên độ tới 250%, từ 6.132 tỷ đồng lên 15.295 tỷ đồng. Đây là diễn biến đáng lo ngại, nhất là khi tỷ lệ lãi phí phải thu trên tổng tài sản tới cuối năm ngoái của SHB đã lên tới 2,8%, so với chỉ từ 0,5- 0,7% của khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước.
Nếu tính cho cả khoản mục tài sản có khác, thì số dư tới cuối kỳ BCTC vừa qua đã lên tới 54.049 tỷ đồng, tương đương gần 10% tổng tài sản, so với 7,5% hồi đầu năm 2022, và cũng là mức cao nhất từ năm 2014.
Tài sản có khác được xem như tài sản "chết" của các ngân hàng, bởi dù không sinh lời, song vẫn phải trả lãi cho khoản huy động đầu vào.
Số dư tài sản có khác càng cao thì hiệu quả hoạt động càng thấp. Trường hợp điển hình là tại SCB. Tới cuối tháng 6/2022, số dư tài sản có khác của SCB là 228.480 tỷ đồng, chiếm 30% tổng tài sản; thu nhập lãi thực nhận trong nửa đầu năm 2022 của nhà băng này chỉ là 6.291 tỷ đồng, âm tới 16.300 tỷ đồng so với thu nhập lãi được ghi nhận.
Trong khoản mục tài sản có khác của SHB, ngoài lãi phí phải thu, chiếm một phần đáng kể là phải thu liên quan đến thư tín dụng trả chậm, với số dư 17.034 tỷ đồng tới cuối năm ngoái.
Trở lại với chất lượng tài sản và tình hình kinh doanh của SHB, số liệu báo cáo "hoàn mỹ" chắc hẳn sẽ giúp ích đáng kể cho chiến lược phát triển, đặc biệt khi nhà băng này đang triển khai đàm phán bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, việc đẩy rủi ro về phía tương lai cũng sẽ tạo ra áp lực không nhỏ cho ban lãnh đạo SHB trong thời gian tới, khi hệ luỵ từ dịch bệnh hay khủng hoảng trái phiếu, bất động sản được đánh giá sẽ còn tiêu cực đối với các ngân hàng nói chung