Ở một số liệu khác, con số nợ xấu thực tế tại VIB rất khác. Đặc biệt, trong báo cáo tài chính hợp nhất 2019 đã kiểm toán ngân hàng cũng không đề cập tới chất lượng nợ cho vay.
Năm 2019, VIB vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán. Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 632 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế năm 2019 đạt 4.082 tỷ đồng, tăng trưởng 49%. Lợi nhuận trên vốn (ROE) ở mức 27,1%.
|
Về chất lượng tài sản, VIB cho biết tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh so với 2018, giảm từ 2,2% đầu năm xuống còn 1,7% và không có nợ VAMC. Tuy nhiên, con số nợ xấu này của VIB đến nay vẫn rất mù mờ đối với các nhà đầu tư, khi mà năm 2019 ngân hàng không đề cập tới chất lượng nợ cho vay trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2019.
Trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 trước kiểm toán, VIB có công bố tổng số dư các nhóm nợ xấu trong dư nợ cho vay khách hàng năm 2019 gồm nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3), nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) ở mức 2.200,4 tỉ đồng.
Như vậy, nếu so với tổng dư nợ cho vay khách hàng trong năm 2019 của ngân hàng là 129.200 tỉ đồng công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 trước kiểm toán, tỉ lệ nợ xấu trong dư nợ cho vay khách hàng của VIB vào thời điểm cuối năm 2019 chỉ là 1,7%.
Song theo báo cáo tài chính quý IV/2019 trước kiểm toán của VIB, đây chỉ là phân loại nợ được thực hiện dựa theo tình trạng nợ của khách hàng tại ngân hàng. Còn nếu phân loại dựa theo tình trạng nợ của khách hàng sau khi cập nhật thông tin toàn hệ thống từ Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia CIC (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước), dữ liệu nợ xấu tại VIB lại có sự thay đổi lớn.
Cụ thể, tổng số dư nợ xấu trong cho vay khách hàng của ngân hàng VIB tăng vọt từ 2.200,4 tỉ đồng lên 2.536,4 tỉ đồng. Dữ liệu từ CIC khiến số dư cả ba nhóm nợ xấu của VIB đều tăng lên đáng kể, trong số này nợ nợ nhóm 5 tăng vọt từ 1.613 tỉ đồng lên 1.757,5 tỉ đồng.
Do đó, tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng vào thời điểm cuối năm 2019 cũng tăng lên đáng kể từ 1,7% lên 1,96%. Như vậy, nợ xấu ngân hàng VIB lại có hai số liệu khác nhau.
Hơn nữa, số lãi dự thu tại VIB năm 2019 tăng cao so với năm 2018 có thể đặt nghi ngờ về con số nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng. Ngoài ra, năm 2019 mảng kinh doanh ngoại hối của VIB chịu lỗ rất cao, gần 122 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ lỗ gần 26 tỷ đồng.