Tăng sức khỏe của các ngân hàng thông qua áp dụng chuẩn mực quốc tế về tiêu chuẩn an toàn, đưa nợ xấu xuống dưới 3%... những mục tiêu này đang dần được hiện thực hóa trên toàn hệ thống ngân hàng.
Theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, từ năm 2020, các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng và tuân thủ quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn của Basel II. Ðến hết năm 2019, đã có 18 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công nhận áp chuẩn Basel II. Các ngân hàng còn lại cũng từng bước hoàn tất áp chuẩn Basel II. Việc triển khai Basel II được coi là giải pháp tái cơ cấu căn bản có tính đột phá, giúp ngân hàng đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn, tạo nền tảng cho sự an toàn, phát triển lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
|
Công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu được triển khai tích cực trong năm 2019 |
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu trong năm 2019 cũng đã được triển khai tích cực. NHNN đã tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, khuôn khổ và cơ chế, giúp nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực quản trị điều hành. "Đến nay, 18 ngân hàng đã tuân thủ tiêu chuẩn Basel II, sớm hơn thời hạn quy định. Nợ xấu đã giảm mạnh và được kiểm soát ở mức thấp, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động ngân hàng được tăng cường giúp nâng cao lòng tin của người gửi tiền, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng"- Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Năm 2019, NHNN đã kiện toàn mô hình mới của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Theo đó, hoạt động thanh tra, giám sát được đẩy mạnh, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật của tổ chức tín dụng (TCTD) được nâng cao. Đi kèm với đó, việc xử lý nợ xấu cũng hiệu quả hơn, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Ước tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12/2019, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 12/2019, ước tính xử lý được 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt). Tính trung bình từ ngày 15/8/2017 đến tháng 12/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu/tháng, cao hơn 4,9 nghìn tỷ đồng so với kết quả trung bình từ năm 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Đây cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu, lãnh đạo NHNN khẳng định, toàn hệ thống sẽ tiếp tục tập trung quyết liệt xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD để theo Quyết định 1058 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Thùy Linh/Báo Công Thương Điện Tử