Siết chặt phương án cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

Theo ANTT 16:02 11/09/2019

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đưa ra cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay đối với các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm.

Xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không bao gồm Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

Cụ thể, qua quá trình thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy có hiện hiện một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn theo quy định.

Vì vậy, nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, phía nhà điều hành yêu cầu các tổ chức tín dụng không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay và giải ngân vốn vay với khoản vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm.

“Sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm các quy định trên”, văn bản nêu rõ.

Sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vốn. (ảnh minh họa).

Trên Báo Người Lao động thông tin, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm cầm cố sổ tiết kiệm. Kịp thời báo cáo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố những trường hợp vi phạm; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định về hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý bảo đảm an toàn hoạt động.

Theo tìm hiểu, nhiều năm qua, việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là nghiệp vụ khá phổ biến ở các ngân hàng thương mại. Khách hàng mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng nhưng cần vốn đột xuất có thể thế chấp, cầm cố chính sổ tiết kiệm này để vay vốn với lãi suất ưu đãi, vẫn có lợi hơn nhiều so với rút trước hạn sẽ chỉ được lãi suất không kỳ hạn thấp…

Mục đích sử dụng vốn không hợp pháp cũng vi phạm

Trước đó, theo Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong báo cáo Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm toàn ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cũng đã từng chỉ đạo cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức tín dụng tiếp tục để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, đặc biệt là các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có mục đích sử dụng vốn hoặc mục đích sử dụng vốn không hợp pháp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng.

Được biết, cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là hình thức cho vay phổ biến tại các ngân hàng, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo được mức sinh lời phù hợp với rủi ro thấp. Nhiều năm qua việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng không hề khó, thậm chí ở nhiều nhà băng, nhân viên ngân hàng còn chủ động đề nghị người gửi tiền cầm cố sổ tiết kiệm để vay.

Ở một số ngân hàng, việc cầm cố sổ tiết kiệm còn cho khách hàng sử dụng online một cách dễ dàng dưới hình thức đăng ký vay thấu chi mà không quan tâm đến việc khách hàng sẽ sử dụng số tiền vay đó để làm gì.

Thế nhưng, thực tế đã từng xảy ra những vi phạm về việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm gây thiệt hại cho ngân hàng. Cụ thể, trong giai đoạn đua lãi suất thỏa thuận những năm về trước, lợi dụng lãi suất tiền gửi thỏa thuận cao hơn lãi suất vay cầm cố sổ tiết kiệm tại một ngân hàng, một số khách hàng có sự móc nối với chính nhân viên ngân hàng liên tiếp quay vòng dòng tiền gửi - vay cầm cố sổ tiết kiệm để hưởng chênh lệch lãi suất tạo ra tình trạng dòng vốn chạy lòng vòng và có thể gây bất ổn cho hệ thống.

Bạn đang đọc bài viết Siết chặt phương án cho vay cầm cố sổ tiết kiệm tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất