Chiều 22/2, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố triển khai gói tín dụng ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do virus Corona gây ra (COVID-19).
BIDV giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm với doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19
Theo đó, BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của ngân hàng có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, với gói tín dụng này, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất, đảm bảo không thấp hơn sàn lãi suất cho vay của BIDV trong từng thời kỳ. Gói tín dụng được triển khai đến hết ngày 30/6/2020 hoặc đến khi hết quy mô gói.
|
Trước đó, từ ngày 14/2/2020, BIDV đã triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, thiệt hại. Chương trình áp dụng đến hết ngày 30/4/2020 hoặc đến khi đạt quy mô gói.
Các lĩnh vực vay vốn cụ thể gồm: nông nghiệp, xuất khẩu và du lịch. Trong đó tập trung ưu tiên các sản phẩm nông sản như: thanh long, dưa hấu, mít, chuối; các mặt hàng thủy hải sản như cá tra, cá ba sa, các mặt hàng cá da trơn; du lịch bao gồm cả lĩnh vực phụ trợ như nhà hàng, khách sạn và xuất khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc.
Lợi nhuận trước thuế đạt 10.768 tỷ đồng
Kết thúc năm 2019, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt 1.458.740 tỷ đồng, tăng trưởng 13,7% so với năm 2018, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư năm 2019 đạt 1.299.997 tỷ đồng; trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1.098.912 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với năm 2018, chiếm 13,4% thị phần tín dụng toàn ngành; Riêng dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 21,5%, quy mô đến 31/12/2019 đạt 374.526 tỷ, chiếm tỷ trọng 34,1% tổng dư nợ, tiếp tục dẫn đầu thị trường về quy mô tín dụng bán lẻ... Tổng dư nợ đối với các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chiếm tỷ trọng trên 60% tổng dư nợ.
Nguồn vốn huy động của BIDV đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo cân đối an toàn, hiệu quả. Tổng nguồn vốn huy động năm 2019 đạt 1.349.279 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với năm 2018; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.167.995 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7%, thị phần tiền gửi khách hàng chiếm 11,5% toàn ngành.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 10.768 tỷ đồng, ROA đạt 0,61%, ROE đạt 15,2%...
Thị giá cổ phiếu BID tăng trưởng 42,5% so với đầu năm; Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV tăng lên 18,03%; BIDV là ngân hàng có mức vốn hóa lớn thứ 3 trên thị trường, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của BIDV sau khi có sự tham gia cổ đông chiến lược KEB Hana Bank Hàn Quốc.
Các công ty, liên doanh, liên kết hoạt động ổn định, đóng góp 589 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong hiệu quả chung của BIDV.
BIDV cũng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước và đảm bảo lợi ích tối đa của cổ đông. Năm 2019, BIDV nộp Ngân sách Nhà nước 8.550 tỷ đồng, trong Top 10 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam hiện nay. BIDV cũng đã thực hiện chi trả cổ tức 2 năm 2017-2018 bằng tiền mặt cho cổ đông với tổng giá trị gần 4.800 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả đạt 7%/năm.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ