Lãi suất trái phiếu 20%/năm là không thể
Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cuối tháng 10-2019, Công ty Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Công ty Hồng Hoàng) đã hoàn tất đợt phát hành hơn 14 triệu trái phiếu doanh nghiệp (DN) mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5 năm.
Toàn bộ số trái phiếu này được phát hành riêng lẻ cho một nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Đáng chú ý là trái phiếu của Công ty Hồng Hoàng có lãi suất cao kỷ lục: 20%/năm. Trước đó, trái phiếu DN có lãi suất cao nhất là 14,5%/năm do một DN bất động sản phát hành.
|
Bất thường trái phiếu của Công ty Hồng Hoàng có lãi suất cao kỷ lục: 20%/năm |
Số liệu của HNX cho thấy trong tháng 10-2019 có 34 DN đăng ký phát hành trái phiếu và đã huy động thành công gần 17.000 tỉ đồng (bao gồm cả đợt phát hành của Công ty Hồng Hoàng). Tính từ đầu năm 2019 đến nay, có 176 công ty (chủ yếu là DN bất động sản) đăng ký 760 đợt phát hành trái phiếu DN; trong đó, 617 đợt phát hành thành công, huy động trên 202.000 tỉ đồng.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán ở TP HCM nhận xét DN huy động vốn bằng trái phiếu hàng chục ngàn tỉ đồng là hết sức bình thường. Tuy vậy, việc DN phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với lãi suất cao nhưng không chứng minh được hiệu quả số vốn huy động được là khá bất thường dẫn đến hoài nghi đơn vị phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu chỉ là một. Nếu thật vậy, lãi suất trở thành lợi nhuận của bên mua lẫn bên bán trái phiếu. Vì bên mua là tổ chức nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam nên họ có thể chuyển lợi nhuận về nước, đồng nghĩa bên bán trái phiếu đã chuyển được một số tiền ra nước ngoài.
TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Makerting) đánh giá thị trường trái phiếu DN của Việt Nam còn sơ khai, cần khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, cuộc chơi trái phiếu chỉ dành cho những nhà đầu có kiến thức, đủ năng lực đánh giá hiệu quả hoạt động, tính khả thi của dự án mà DN đưa ra, nếu không sẽ dễ nhận "trái đắng".
Theo TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM), khi phát hành trái phiếu, DN không phải chứng minh với người mua về khả năng sinh lời từ số vốn huy động được. Do đó, để thu hút nhà đầu tư, DN thường chào bán trái phiếu với lãi suất rất cao, có thể dẫn đến rủi ro cho nhà phát hành lẫn người mua. "Giả sử DN phát hành trái phiếu với lãi suất 12%-14,5%/năm (mức lãi suất phổ biến trong thời gian qua) thì tỉ suất sinh lời phải đạt trên 20% mới đủ sức thanh toán gốc và lãi cho người mua trái phiếu. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khựng lại, DN không dễ đạt được mức sinh lời như mong muốn" - ông Tín nói.
Lãi suất càng cao, rủi ro càng lớn
“Trái phiếu doanh nghiệp là một sản phẩm rủi ro, càng lãi suất cao thì rủi ro càng lớn, nên nếu gia tăng các cụ ông, cụ bà đem tiền dành dụm được sau khi nghỉ hưu, khoản tiền lương ít ỏi mà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là đáng báo động. Khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán cho trái chủ đến ngày trái phiếu đáo hạn, thì nhà đầu tư đối mặt với rủi ro lớn…”, nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết.
Một “cái bẫy” với nhà đầu tư theo góc nhìn của giám đốc pháp chế một công ty quản lý quỹ là Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Thời gian hạn chế 1 năm kể từ khi phát hành là quá ngắn. Sau thời gian này, trái phiếu phát hành riêng lẻ được giao dịch rộng rãi ra đại chúng, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, trong khi khoảng thời gian 1 năm có thể sức khỏe tài chính của tổ chức phát hành biến động, các nhà đầu tư cá nhân không đủ thời gian và hiểu biết để lường hết các rủi ro có thể xảy ra...
Theo ý kiến của chuyên gia ở Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), việc thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có chất lượng tin cậy và trung tâm định giá trái phiếu tập trung dẫn đến thiếu thông tin cơ sở cần thiết để nhà đầu tư có thể đánh giá tương quan rủi ro - lợi suất mà trái phiếu đem lại.
Hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm còn rất hạn chế, khiến chất lượng trái phiếu đang ở trạng thái “tốt xấu lẫn lộn”, dẫn tới nhà đầu tư vừa khó khăn, vừa mất nhiều thời gian tìm hiểu, đánh giá về doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư trái phiếu.
Mặt khác, đặc thù của đầu tư vào trái phiếu là giá trị lớn, trong khi nhiều đợt phát hành theo hình thức riêng lẻ, không có tài sản bảo đảm, nên rủi ro lớn với nhà đầu tư, nhất là trong giai đoạn phát triển ban đầu với tính chuyên nghiệp của thị trường còn hạn chế…
Từ thực trạng trên, ý kiến từ Bộ Tài chính cho biết, đã đến lúc cảnh báo về hoạt động đầu tư của nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh hiểu biết của họ về sản phẩm này còn hạn chế.
Hơn ai hết, nhà đầu tư cần ý thức được những rủi ro tiềm ẩn với khoản đầu tư của mình, chứ không có chuyện mua là lãi cao, là được đảm bảo 100% về thanh toán lãi và gốc trái phiếu.
Khi có nhu cầu đầu tư, thì nhà đầu tư cần trực tiếp tìm hiểu kỹ các thông tin về đơn vị phát hành; trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, có hay không có bảo lãnh phát hành; ai là tổ chức tư vấn, đại lý phát hành…, chứ tránh nghe thông tin một chiều từ đơn vị phát hành, tư vấn.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ