Agribank sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa

DTVN 15:30 14/10/2019

Năm 2019 được xem là năm bản lề để Agribank chuẩn bị cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng là năm Agribank xác định tiếp tục tập trung triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2.

Từ những mục tiêu ấy, thời gian qua, toàn hệ thống Agribank đã và đang có những bước chuyển quan trọng, với quyết tâm củng cố nền tảng vững chắc, sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa.

Hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng

Tính đến 31/07/2019, tổng tài sản Agribank đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 70% dư nợ nền kinh tế (chiếm trên 50% thị phần trong nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam).

Tỷ lệ nợ xấu là 1,49%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (1,96%), giảm 0,02% so với đầu năm. Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cơ bản đạt lộ trình kế hoạch, tiếp tục tạo nền tảng quan trọng để Agribank thực hiện thành công phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020 tiến tới cổ phần hóa.

Đặc biệt, là ngân hàng thương mại (NHTM) phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, nhưng hàng năm Agribank vẫn dành hàng trăm nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, nhất là khách hàng thuộc các chương trình chính sách.

Ngay từ đầu năm 2019, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng để cho vay tiêu dùng với thủ tục vay vốn rút gọn và thời gian cho vay ngay trong ngày; hỗ trợ kịp thời nguồn vốn để thu mua lúa gạo, tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng hồ tiêu; chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục sản xuất kinh doanh…

Không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, Agribank còn cho vay đáp nhu cầu tiêu dùng, đời sống của người dân. Đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng, đời sống đạt gần 220.000 tỷ đồng với trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 22% dư nợ cho vay của Agribank.

Để đưa vốn đến người dân kịp thời, Agribank đã triển khai nhiều kênh dẫn vốn hiệu quả, trong đó triển khai cho vay thông qua 58.000 Tổ vay vốn, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.

Nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, Agribank chú trọng phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, tích cực đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, góp phần đa dạng hóa các kênh thu, nộp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Với những đóng góp tích cực, Agribank được vinh danh trong bảng xếp hạng TOP10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2019 (theo công bố của VN Report), đồng thời đứng vị trí thứ Nhất trong các Ngân hàng Thương mại Việt Nam trong bảng xếp hạng TOP500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2019. Agribank được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s công bố mức xếp hạng của Agribank là Ba3, tương đương mức tín nhiệm quốc gia và là mức xếp hạng cao nhất cho các NHTM ở Việt Nam.

Năm 2019 được xem là năm bản lề để Agribank chuẩn bị cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Tăng cường năng lực tài chính

Bước vào lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2 cũng là thực hiện Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa, áp dụng những bài học kinh nghiệm rút ra trong tái cơ cấu giai đoạn 1, Agribank đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị cổ phần hóa và sẵn sàng thực thi khi có quyết định phê duyệt.

Agribank đặt mục tiêu năm 2019 tổng tài sản tăng tối thiểu 10% so với năm 2018, tăng cường nâng cao năng lực tài chính, củng cố nền tảng để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình này đang chậm so với tiến độ đề ra bởi những thách thức, vướng mắc mà không chỉ Agribank có thể tự giải quyết được, nhất là khi Agribank là NHTM có tổng tài sản lớn nhất. Riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất; số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, Agribank hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Một trong những vấn đề nan giải nhất đó là “bài toán” tăng vốn. Từ ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4" NHTM.

Với quy mô tài sản, nguồn vốn, đầu tư tín dụng đều trên 1 triệu tỷ đồng, dẫn đầu toàn hệ thống và thực hiện vai trò chủ đạo trong tín dụng nông nghiệp nông thôn, hàng năm tăng trưởng tín dụng từ 11-14% để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp.

Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực đầu tư chính của Agribank nhưng lại thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao. Do vậy, để quá trình cổ phần hóa thành công, ngoài những nỗ lực tự thân, Agribank mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tích cực “vào cuộc” hỗ trợ Agribank sớm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tăng năng lực tài chính và tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, tự chủ hơn trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh, tiếp tục làm tròn sứ mệnh vì sự nghiệp phát triển “tam nông” và có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa đối với nền kinh tế đất nước.

Theo Lưu Minh/Tạp chí Tài chính

Bạn đang đọc bài viết Agribank sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất