Microsoft theo đuổi việc mua TikTok, thương vụ M&A đắt giá nhất lịch sử công nghệ

DTVN 17:14 05/08/2020

Tập đoàn công nghệ Microsoft khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán thương vụ mua TikTok sau khi lãnh đạo công ty này có buổi tham vấn với Tổng thống Donald Trump cuối tuần qua

Thương vụ M&A đắt giá nhất lịch sử công nghệ

"Vòng kim cô" mà Mỹ giáng xuống Huawei, TikTok đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới trong nhiều tuần qua. Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ cấm TikTok hoạt động trên đất Mỹ, rồi sau đó lại gia hạn 45 ngày để TikTok đàm phán kế hoạch "bán mình" cho một doanh nghiệp Mỹ để tránh lệnh cấm.

Microsoft xác nhận họ đang đàm phán để mua TikTok tại Mỹ. The USA Today nhận định, tập đoàn công nghệ do tỉ phú Bill Gates sáng lập có thể sử dụng tiềm lực tài chính hùng hậu để thâu tóm ứng dụng mà giới trẻ rất ưa chuộng.

Ông Satya Nadella, Tổng giám đốc Microsoft, đã nói chuyện với Tổng thống Donald Trump trước khi tập đoàn xác nhận việc đàm phán mua TikTok. Tổng thống Trump muốn cấm TikTok vì những lo ngại nó phá hoại an ninh quốc gia.

Với những thanh niên sử dụng điện thoại thông minh, TikTok đã trở nên rất quen thuộc. Vì thế, việc mua TikTok có thể giúp Microsoft - vốn nổi tiếng với cơ sở dữ liệu và hệ điều hành, có thể sở hữu một trong những mạng xã hội có sức lan tỏa hàng đầu tại Mỹ

"Người tiêu dùng vẫn coi Microsoft được xem là doanh nghiệp của các bậc phụ huynh. Tập đoàn đang cố gắng thay đổi hình ảnh ấy", Dan Ives, giám đốc điều hành, kiêm chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Wedbush Securities, phát biểu. Ông nhận định nếu Microsoft mua TikTok, tập đoàn sẽ trở nên hấp dẫn hơn với những người dưới 25 tuổi.

Sau khi nhận chức tổng giám đốc năm 2014, Nadella đã đưa Microsoft thành một đế chế điện toán đám mây. Hiện nay tập đoàn có vốn hoá hơn 1.500 tỷ USD và sở hữu hơn 130 tỷ USD tiền mặt.

Song Microsoft không có một chiến lược rõ ràng để phục vụ khách hàng trẻ ngoài mảng kinh doanh game. Trong giai đoạn mạng xã hội biến thành các doanh nghiệp tiêu dùng khổng lồ như Facebook (có trị giá hơn 720 tỷ USD), Microsoft đã bỏ lỡ cơ hội.

6 năm qua, những thương vụ thâu tóm lớn nhất của Microsoft là mua các công ty internet bởi chúng có mạng lưới thu hút người dùng nhưng cũng cần cơ sở hạ tầng điện toán đám mây mà Microsoft có thể cung cấp.

Năm 2014, Microsoft mua Minecraft với giá 2,5 tỉ USD. 2 năm sau, họ tiếp tục thâu tóm LinkedIn với giá 26,2 tỉ USD. Năm 2018, Microsoft mua GitHub, một nền tảng trực tuyến cho những người phát triển phần mềm, với giá 7,5 tỉ USD.

Theo NYT, thanh thiếu niên không nên lo lắng rằng Microsoft sẽ làm giảm sự thú vị của TikTok. Bởi trong những thương vụ gần đây, Microsoft tăng nguồn lực tài chính và công nghệ tại các công ty nhưng phần lớn vẫn để họ vận hành độc lập.

Christopher Wanstrath - người đồng sáng lập GitHub - từng nói với các nhà đầu tư cách Microsoft đối xử với Minecraft và LinkedIn thể hiện sự nghiêm túc của họ trong việc phát triển các doanh nghiệp non trẻ trong khi vẫn duy trì sự độc lập và bản sắc.

Giới phân tích cho rằng, phương pháp tiếp cận của Microsoft đã thành công. Từ khi thuộc sở hữu của Microsoft đến trước lúc COVID-19 bùng phát, LinkedIn đã phát triển nhanh hơn so với thời điểm chưa thuộc về tập đoàn.

Với hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ, TikTok có vẻ phù hợp với mô hình của Microsoft. Để thành công, chủ mới của TikTok sẽ cần vận hành công nghệ và duy trì cộng đồng trực tuyến.

Hai bên đang thảo luận các vấn đề như mua các văn phòng Tiktok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. ByteDance - chu sở hữu hiện nay của TikTok - sẽ tiếp tục sở hữu các cơ sở của ứng dụng tại Bắc Kinh.

Sau khi thâu tóm Tiktok liệu Microsoft có thành công?

Với những khập khiễng trong nhiều năm qua, chưa chắc Microsoft có thể duy trì được thành công của TikTok sau khi thâu tóm mạng xã hội này. Là một công ty lớn, Microsoft rất “chịu chơi” và chi ra số tiền lớn nhưng chỉ đem về những thất bại. Những bài học sâu sắc còn đó trong các thương vụ mua lại lộn xộn của Microsoft với Skype và Nokia.

Với trường hợp của Nokia, Microsoft đã chi ,2 tỷ USD vào năm 2013 để mua lại bộ phận điện thoại di động với tham vọng chạy đua trên thị trường smartphone. Kết cục, cái tên Nokia không đủ giúp Microsoft tìm được chỗ đứng trên thị trường di động để rồi sau đó Microsoft đã buộc phải bán lại thương hiệu Nokia cho HMD Global, một công ty Phần Lan.

Trước đó 2 năm, Microsoft cũng đã chi 8,5 tỷ USD để mua lại Skype. Những tưởng dưới sự phát triển của Microsoft, Skype sẽ trở thành một trong những ứng dụng gọi điện lớn nhất thế giới, nhưng thực tế, hiện Skype đã mất đi vị thế của mình.

Dầu vậy, không phải tất cả thương vụ của Microsoft đều thất bại. Năm 2014, Microsoft muốn vực dậy lại mảng Xbox đã quá thê thảm của mình trước đối thủ PlayStation đến từ Sony. CEO Microsoft Satya Nadella đã thực hiện thương vụ lớn đầu tiên của mình khi mua lại Mojang và Minecraft với giá 2,5 tỷ USD nhằm giúp "đa dạng hóa danh mục trò chơi của mình" . Hiện nay, Mojang đang hoạt động một cách độc lập và tựa game Minecraft vẫn đang phát triển tốt.

Việc mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD cũng là một câu chuyện thành công khác của Microsoft. Khối lượng dữ liệu người dùng khổng lổ mà LinkedIn đã thu thập được cũng là yếu tố cho phép Microsoft phát triển các gói phần mềm quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn. Sau thương vụ này, Microsoft đã để LinkedIn hoạt động độc lập và tích hợp một số điểm vào ứng dụng Office, giúp LinkedIn hoạt động một cách hiệu quả.

Có vẻ như, bí kíp cho sự thành công của Microsoft là để cho các công ty mình mua lại có quyền chủ động và hoạt động một cách độc lập. Với TikTok, liệu mạng xã hội này có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách điều hành của Microsoft sau khi thương vụ được thực hiện.

Để TikTok hoạt động độc lập, Microsoft vẫn có thể quản lý được những dữ liệu quan trọng của người dùng trên mạng xã hội này, nhưng cũng đảm bảo TikTok giữ nguyên được mô hình hoạt động như trước khi thương vụ được diễn ra.

Suy cho cùng, thật khó để nói chính xác khả năng tiếp quản TikTok của Microsoft sẽ phát triển như thế nào. Đây là thỏa thuận bất thường cho công ty, đặc biệt là đối với các mối đe dọa đang diễn ra từ chính phủ Mỹ.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Microsoft theo đuổi việc mua TikTok, thương vụ M&A đắt giá nhất lịch sử công nghệ tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đầu tư
Tin tức mới nhất