755 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán
Theo Báo Chính Phủ, tính đến tháng 9 vừa qua có tới 755 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cổ phần hóa vẫn chưa niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, trong số đó có tới 601 DN thuộc danh sách Bộ Tài chính đưa ra từ 2 năm trước.
Cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch sẽ giúp DN nâng cao được quản trị, tăng cường tính minh bạch và giúp thị trường lành mạnh hơn. Việc DN cổ phần hóa lên sàn không chỉ giúp DN làm đúng theo quy định của Chính phủ, mà còn tăng uy tín, minh bạch hình ảnh và tạo tính thanh khoản cho các cổ đông đang nắm giữ cổ phần.
|
Tính đến tháng 9 vừa qua có tới 755 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cổ phần hóa vẫn chưa niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. |
Tuy nhiên, hàng trăm doanh nghiệp vẫn chậm niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong số 755 doanh nghiệp trên, các DN bị “bêu tên” chủ yếu là các công ty con của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trực thuộc các bộ, ngành (tổng cộng 295 DN), và các DN thuộc quyền quản lý của các UBND cấp tỉnh (tổng cộng 372 DN).
Theo Công An Nhân Dân, có thể điểm danh một số DN chây ỳ lên sàn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Bộ Công Thương) có 5 công ty là Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Thừa Thiên - Huế, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Petrolimex Đà Nẵng, Ngân hàng Thương mại CP Xăng dầu Petrolimex, Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex, Công ty CP Tư vấn xây dựng Petrolimex...
Cũng tại Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có tới 16 công ty con như: Công ty CP Đại lý hàng hải, Công ty CP Than Miền Nam, Công ty CP Kinh doanh than Cẩm Phả… cũng bị liệt vào danh sách nói trên.
Ngoài ra, hàng loạt cái tên “cộm cán” khác như Công ty CP Vật tư và XNK Hóa chất (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), 14 công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 5 công ty thuộc TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, 8 công ty thuộc TCT Thép Việt Nam, 7 công ty thuộc TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam, 11 công ty thuộc TCT Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị; 12 công ty thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 11 công ty và TCT thuộc SCIC; 13 công ty thuộc TCT Phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội...
Cổ phần hóa thiếu minh bạch, nhà đầu tư hoang mang
Lý giải cho việc chậm lên sàn của mình, lý do phổ biến nhất các DN này đưa ra là không đủ số lượng cổ đông cần thiết hoặc/và không đủ vốn điều lệ cần thiết để trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể kể đến như: đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán cổ phần hóa, đang tiến hành bàn giao cho SCIC, đang hoàn thiện hồ sơ lưu ký chứng khoán, đang hoàn tất thủ tục lên sàn…
Cá biệt có trường hợp cho rằng việc niêm yết chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông và công ty.
Ngoài cổ phần hóa chậm, tình trạng cổ phần hóa thiếu minh bạch, thậm chí bị đặt mối ngờ có lợi ích nhóm chi phối, cũng đang tác động tiêu cực tới niềm tin của nhà đầu tư.
Theo nhận định của đại diện Bộ Tài chính, việc nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DN này.
|
DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. |
Theo Tin Nhanh Chứng Khoán ghi nhận, ông Nguyễn Trường Giang, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cũng chia sẻ: “Vẫn còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cổ phần hóa, thoái vốn, gây bức xúc trong dư luận. Kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được doanh nghiệp thực hiện nghiêm.
Việc xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời. Hoạt động cổ phần hóa còn thiếu công khai, có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật...”.
Từ thực tiễn tư vấn cổ phần hóa cho nhiều doanh nghiệp, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết cho biết, sau khi gần đây một số lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo các cấp quản lý bị xử lý vì sai phạm liên quan đến cổ phần hóa, tâm lý sợ trách nhiệm đang bao trùm, khiến cho tiến trình cổ phần hóa gần như dậm chân tại chỗ, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư...
Xử lý mạnh tay
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất TP Hồ Chí Minh (số 215-217 Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh) bị UBCKNN phạt 350 triệu đồng vì không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Cũng với lỗi tương tự, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 - CTCP chịu phạt 350 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn bị phạt 100 triệu đồng do không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật đối với một số tài liệu khác.
Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính chiều 5-4, trả lời chất vấn báo chí, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, cùng với việc công khai danh sách các DN chậm lên sàn, UBCKNN đã có nhiều văn bản để nhắc nhở các DN tuân thủ quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
“UBCKNN đã thành lập các tổ công tác đến các DN để tìm hiểu lý do vì sao chậm lên sàn và đã tiến hành xử phạt với mức cao nhất là 350 triệu đồng với việc không thực hiện lên sàn” - ông Phạm Hồng Sơn cho biết.
Để khắc phục thực trạng chậm niêm yết trên sàn chứng khoán, cơ quan chức năng sẽ công khai trên website của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước danh sách công ty đại chúng tiền thân là DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện niêm yết để các cổ đông biết, yêu cầu DN phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Đồng thời sẽ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các tổng công ty, DNNN đôn đốc các DN này thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định.
Cùng với các biện pháp trên, cơ quan Nhà nước sẽ xử phạt theo quy định; sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, phê bình, xem xét kỷ luật đối với người đại diện phần vốn Nhà nước, lãnh đạo DN nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn kéo dài việc đưa các DNNN cổ phần hóa niêm yết.