Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) mới đây đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, VPBankS dự kiến chào bán 608 triệu cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị theo mệnh giá là 6.080 tỷ đồng. Tỉ lệ chào bán là 1:0,6816 cổ phiếu, nghĩa là cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu phổ thông sẽ được hưởng 1 quyền mua, cổ đông sở hữu 1 quyền mua sẽ được mua 0,6816 cổ phần phát hành thêm theo nguyên tắc làm tròn xuống đến hàng đơn vị.
Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện dự kiến trong khoảng từ quý IV/2022 tới quý I/2023, ngay sau khi UBCKNN chấp thuận.
Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Chứng khoán VPBank sẽ tăng từ 8.920 tỷ đồng lên mức 15.000 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường Việt Nam, vượt qua Chứng khoán SSI (14.911 tỷ đồng) và Chứng khoán VNDirect (12.178 tỷ đồng).
Chứng khoán VPBank được đổi tên từ Chứng khoán ASC hồi đầu năm 2022, sau khi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã quyết định đầu tư mua lại ASC với vốn điều lệ chỉ 56 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu hoạt động trong quý III/2022 của VPBank Securities đạt gần 287 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ doanh thu của các hoạt động môi giới, cho vay, lưu ký và tư vấn.
Chiếm tỉ trọng lớn nhất cơ cấu doanh thu là khoản lãi từ hoạt động tự doanh FVTPL hơn 168 tỷ đồng, trong đó lãi bán các tài sản FVTPL là 93 tỷ đồng và cùng kỳ không ghi nhận con số nào.
Công ty lãi gần 177 tỷ đồng, khá hơn rất nhiều so với con số lỗ hơn 300 triệu đồng cùng kỳ khi chưa đổi chủ.
Lũy kế 9 tháng 2022, VPBank Securities ghi nhận doanh thu cũng gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ, lên gần 452 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất vẫn là lãi bán các tài sản tài chính FVTPL 270 tỷ đồng và lãi từ vay Margin 133 tỷ đồng. Công ty báo lãi sau thuế gần 251 tỷ, gấp tới 78 lần số lãi hơn 3 tỷ của 9 tháng đầu năm 2021.
Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của VPBankS là 9.684 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với hồi mới sát nhập. Danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và các khoản cho vay chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của công ty, hơn 90%.
Trong đó, giá trị tài sản FVTPL của công ty hơn 21.224 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với hồi đầu năm. Trong đó, chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu chưa niêm yết chiếm gần 225 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng, Riêng mục chứng chỉ tiền gửi không ghi nhận doanh thu hồi đầu năm.
Cùng chiều, các khoản cho vay (chủ yếu dư nợ Margin) đạt gần 3.600 tỷ đồng. Do đó, chiếm hơn 90% trong mục tài sản chính là tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn VPBankS chỉ nắm hơn 37 tỷ đồng.