Hàng loạt cổ phiếu trụ cột đều chìm trong sắc đỏ
Theo thông tin trên NDH, thị trường về cuối phiên giao dịch trải qua nhịp rung lắc mạnh và đà tăng của hai chỉ số bị ảnh hưởng đáng kể, trong đó, HNX-Index đảo chiều giảm điểm trở lại. Trong khi đó, VN-Index vẫn tăng giá dù sắc đỏ chiếm ưu thế hơn. Các cổ phiếu như VNM, KDC, VCB... đóng vai trò trụ đỡ cho VN-Index khá tốt. Chốt phiên, VNM tăng 1,9% lên 126.900 đồng/cp. VCB tăng 2% lên 80.600 đồng/cp. KDC tăng 21.500 đồng/cp. SSI tăng 1,4% lên 21.650 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu trụ cột khác trên thị trường như: MSN, MWG, PLX, SHB, SAB, CTD, CTG... đều chìm trong sắc đỏ và tạo áp lực rất lớn lên thị trường chung. CTD giảm 2,3% xuống 96.700 đồng/cp. CTG giảm 1,2% xuống 20.750 đồng/cp. MWG giảm 1,6% xuống 122.000 đồng/cp. PLX giảm 1,1% xuống 60.900 đồng/cp.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp, tổng khối lượng giao dịch trên HoSE và HNX đạt 190 triệu cổ phiếu, trị giá 4.400 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,38 điểm (0,24%) lên 988,13 điểm. Toàn sàn có 144 mã tăng, 170 mã giảm và 54 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,37 điểm (-0,35%) xuống 104,01 điểm. Toàn sàn có 62 mã tăng, 65 mã giảm và 56 mã đứng giá.
Tài sản Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình tăng thêm 1.000 tỉ đồng
Đáng chú ý, theo VTC News, khép phiên giao dịch sáng 24/9, mã FPT của Công ty Cổ phần FPT đứng ở mức 56.800 đồng, tăng 0,5%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 300 đồng. Với hơn 1,39 triệu cổ phiếu đang lưu hành, quy mô vốn hóa thị trường FPT tạm ghi nhận mức gần 38.322 tỷ đồng.
Cổ phiếu FPT tăng trưởng phi mã từ đầu năm. Thống kê cho thấy, từ 1/1 – 22/9, mã FPT trải qua 180 ngày giao dịch, biến động tăng 54%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 19.800 đồng.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc FPT – là một trong những người hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng trưởng cổ phiếu FPT. Nhờ việc nắm giữ hơn 48 triệu cổ phiếu FPT, khối tài sản chứng khoán của ông Bình tại đây đã tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng. Với khối tài sản lên tới gần 2.700 tỷ đồng, ông Bình đang tạm xếp vị trí 21 trong nhóm những tỷ phú sàn chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng được hưởng lợi hơn 850 tỷ đồng nhờ nắm giữ hơn 40 triệu cổ phiếu FPT. Với thị giá hiện tại, khối tài sản của SCIC ở FPT tương đương 2.300 tỷ đồng.
|
Ông Trường Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT (Ảnh: Đầu tư) |
Theo Đầu tư Chứng khoán, FPT niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2006, có thời điểm thị giá đạt tới hơn 600.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2019, FPT có 2 sự thay đổi lớn: Một là bổ nhiệm CEO Nguyễn Văn Khoa sinh năm 1977 và là thế hệ lãnh đạo thứ 2 của FPT sau thế hệ sáng lập như Trương Gia Bình, Lê Quang Ngọc...
Ông Khoa khi còn làm CEO FPT Telecom đã đưa công ty này nằm trong Top 3 công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Việt Nam; Hai là, định hướng chuyển đổi số như ông Trương Gia Bình đã đề cập, đây là vấn đế sống còn của doanh nghiệp Việt nói chung và FPT nói riêng.
Trên thị trường, FPT là cổ phiếu ưa thích của các quỹ đầu tư và những nhà đầu tư dài hạn bởi tính ổn định. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mức cổ tức của FPT luôn đạt từ 20 - 35% mỗi năm.
Sau khi chia cổ tức, thị giá cổ phiếu FPT điều chỉnh về mốc 42.500 đồng/cổ phiếu, hiện đang chinh phục đỉnh cũ sau chia tách là 46.000 đồng/cổ phiếu với những thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2019.
Cụ thể, sau 4 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tăng trưởng 19,4% và 22,6% so với cùng kỳ 2018, lần lượt đạt 7.791 tỷ đồng và 1.342 tỷ đồng, tương đương 101% và 111% kế hoạch lũy kế, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ là 887 tỷ đồng, tăng 22,3%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 1.446 đồng, tăng 21,7%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận tiếp tục được cải thiện, đạt 17,2% (4 tháng đầu năm 2018 đạt 16,8%).