Nỗi ám ảnh ghê gớm đến từ ESOP và túi tiền 'đầy càng đầy' của các sếp bự

DTVN 06:20 10/12/2019

Thường vào dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp có “quà Tết sớm” cho cán bộ, nhân viên trong công ty bằng việc thông báo phát hành cổ phiếu ESOP với giá vô cùng ưu đãi.

Theo lý giải chung của nhiều doanh nghiệp, việc phát hành cổ phiếu ESOP này nhằm ghi nhận đóng góp của người lao động cũng như tri ân, giữ chân nhân tài trong công ty... Chính việc làm này mà nhiều “sếp bự” đã không ngừng tay “vung tiền” để nâng cổ phần sở hữu của mình tại doanh nghiệp đó.

Đơn cử, mới đây nhất, ông Nguyễn Đức Vinh Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng được mua 15,4 triệu cổ phiếu ESOP của VPBank (tương đương khoảng một nửa số cổ phiếu ESOP mà ngân hàng phát hành đợt này).

Nhờ chính sách ưu đãi của việc phát hành cổ phiếu ESOP, đương kim Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh chỉ phải mua cổ phiếu ESOP của VPBank với giá 10.000 đồng/cp, chỉ bằng khoảng 50% so với thị giá khoảng 20.000 đồng/cp trên thị trường và bằng 1/3 so với giá cổ phiếu quỹ trước đó nhà băng này mua vào. Sau giao dịch này, sếp lớn của VPBank này đã hưởng lợi khoản chênh lên đến khoảng 150 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank chỉ phải mua cổ phiếu ESOP của VPBank với giá 10.000 đồng/cp, chỉ bằng khoảng 50% so với thị giá (Ảnh minh họa)

Cũng chính sách tương tự như VPBank, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng thông báo việc phát hành hơn 1,1 triệu cổ phiếu ESOP giá 30.000 đồng cho cán bộ, nhân viên trong công ty. Đây là mức giá chỉ bằng 1/4 trên thị trường (tương đương khoảng 120.000 đồng).

Hay như hàng loạt lãnh đạo Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng loạt đăng ký mua vào 1,2 triệu cổ phiếu ESOP. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung đăng ký mua 193.000 cổ phiếu, nâng lượng nắm giữ lên 20,3 triệu cổ phiếu.

Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Trí Thông đăng ký mua 160.000 cổ phiếu, tương đương ông Thông sẽ nắm giữ 426.666 cổ phiếu.

Thành viên HĐQT Robert Alan Willett đăng ký mua 400.000 cổ phiếu. Trước giao dịch, ông Robert không là cổ đông tại công ty. Giá mua mỗi cổ phiếu ESOP của PNJ ưu đãi là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm khi đó (giao dịch ngày 19/11), PNJ đang ở mức 84.500 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, một trong những doanh nghiệp tích cực phát hành cổ phiếu ESOP nhất thị trường chứng khoán là Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài.

Mới đây, MWG đã thông qua phương án phát hành hơn 10,6 triệu cổ phiếu ESOP (2,4% lượng cổ phiếu lưu hành) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Hay PAN Group (PAN) cũng là một doanh nghiệp như vậy. PAN đã thông báo phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 1,76% trên tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Phát hành cổ phiếu ESOP là một phương án giúp doanh nghiệp ghi nhận đóng góp của các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, nhiều khi ESOP cũng là nỗi ám ảnh ghê gớm đối với các cổ đông bởi những đợt suy giảm giá cổ phiếu kéo dài.

Việc phát hành cổ phiếu ESOP có xu hướng nhiều hơn trong năm 2019 và giá phát hành thường thấp hơn rất nhiều so với thị giá cổ phiếu. Mức chênh lệch quá nhiều, lên tới cả ngàn tỷ đồng khiến nhiều NĐT cảm thấy lo lắng.

Hơn thế, các chương trình ESOP thường chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ cán bộ cấp cao. Như trường hợp của VPBank, một nửa trong số cổ phiếu ưu đãi năm 2019 được dành cho Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh. Trong đợt ESOP lần này tại VPBank, gần 600 tỷ đồng bị hao hụt do chênh lệch giá mua bán.

Việc phát hành cổ phiếu ESOP phần đa các sếp của doanh nghiệp đó được hưởng lợi nhiều nhất

Tương tự như các doanh nghiệp khác, với ưu đãi bán cổ phiếu giá rẻ dành cho lãnh đạo, cán bộ, nhân viên “trong nhà” khiến hàng loạt “sếp bự” được hưởng lợi. Còn số lượng cổ phiếu mà cán bộ, nhân viên trong các đợt ESOP của doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ví dụ như đợt phát hành cổ phiếu ESOP của Techcombank trong vài năm gần đây cũng chỉ dành cho tỷ lệ nhân sự không đáng kể.

Rõ ràng, các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ESOP đã ít nhiều “gia cố” thêm tài sản thường là “sếp” của các doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, chính việc ESOP này trở thành nỗi sợ hãi của các cổ đông cũng như chính cổ phiếu ngập tràn “sắc đỏ” trong thời gian dài trên sàn chứng khoán. Thực tế đã ghi nhận cổ phiếu ESOP sau khi được phát hành thì VPBank, MWG, PNJ, PAN… đều đã “đo sàn” kéo dài. Chính điều này mà một số doanh nghiệp lo ngại đến sự tác động không tốt cổ phiếu của mình nên đã phải thông báo tạm dừng ESOP.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) vừa mới phải ra thông báo hoãn phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trong công ty. Trước đó, kế hoạch này dự kiến được thực hiện trong quí IV/2019.

Theo kế hoạch ban đầu, Hòa Bình dự kiến phát hành thêm 1,3 triệu cổ phiếu (tương đương 0,56% số lượng cổ phiếu đang lưu hành), mục đích để bổ sung vốn lưu động. Mức giá phát hành là 10.000 đồng/cp.

Trong thông báo của Hòa Bình không nêu rõ lí do hoãn phát hành, tuy nhiên quyết định này được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu HBC liên tục giảm giảm giá.

T.Hà/Sở hữu Trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Nỗi ám ảnh ghê gớm đến từ ESOP và túi tiền 'đầy càng đầy' của các sếp bự tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán
Tin tức mới nhất
Trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng đang đối mặt với những khó khăn, đặc biệt là từ tình trạng nợ xấu ngày càng tăng cao và diễn biến phức tạp, kết quả kinh doanh của FE Credit tiếp tục