|
Những sự kiện chứng khoán tiêu biểu trong năm 2019 (ảnh minh họa) |
CW ra mắt sau 4 năm thai nghén
Chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant – viết tắt là CW) đã được đưa vào vận hành vào ngày 28/6, với sản phẩm đầu tiên là chứng quyền mua (có quyền mua cổ phiếu tại giá xác định tại thời điểm xác định trong tương lai), kiểu châu Âu (tất toán tại thời điểm đáo hạn) và thanh toán bằng tiền mặt. Sản phẩm này được đề cập chính thức tại Nghị định 60/2015/CP-NĐ của Chính phủ.
Đến giữa tháng 12/2019, quy mô vốn hóa của thị trường chứng quyền có đảm bảo tại Việt Nam đạt trên 200 tỷ đồng, có thời điểm vượt 400 tỷ đồng. Các công ty chứng khoán cung cấp sản phẩm chứng quyền có đảm bảo dựa trên 18 mã cổ phiếu.
Dù được kỳ vọng là sản phẩm thay thế các cổ phiếu hết “room”, tính đòn bẩy cao, nhưng thị trường CW thực tế hoạt động chưa sôi động, thanh khoản mỗi phiên chỉ vài tỷ đồng dù số lượng CW niêm yết ngày càng nhiều.
Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua
Tại kỳ hợp cuối tháng 11/2019, Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi với nhiều điểm mới được kỳ vọng là yếu tố tích cực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao chất lượng và nâng hạng trong thời gian tới.
Dù vậy, điều kiện quan trọng để nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi là giới hạn sở hữu nước ngoài lại không được quy định cụ thể. Theo đó, những thay đổi đáng chú ý tại Luật chứng khoán sửa đổi gồm: (i) Chứng khoán gồm chứng chỉ lưu ký, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết, (ii) Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, (iii) Điều kiện chào bán ra công chúng, chào bán riêng lẻ, công ty đại chúng, (iv) Thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam gồm 2 công ty con là HOSE, HNX.
Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.
Trước đó, một lộ trình rõ ràng trong việc cơ cấu lại TTCK Việt Nam cũng được ban hành. Tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 242 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025".
Đề án đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như, quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2020 và 120% vào năm 2025; số lượng nhà đầu tư đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào 2025; nâng hạng TTCK Việt Nam trước năm 2025.
Bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp thổi bùng cuộc đua lãi suất
Với việc tín dụng trong năm 2019 bị kiểm soát chặt, các ngân hàng giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn, do đó dẫn tới khả năng tiếp cận vốn trong một số ngành nghề rủi ro giảm. Bên cạnh đó, các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp được nới lỏng theo Nghị định 163/2018.
Những yếu tố này đã dẫn đến giai đoạn bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng thiết lập mức cao kỷ lục, có trường hợp lên tới 20%/năm.
Kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng được nhiều nhà đầu tư hướng đến do sự ảm đạm cũng như diễn biến khó lường của thị trường cổ phiếu.
Dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,22% GDP năm 2018. Theo ước tính của SSI Research, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp thực tế phát hành 11 tháng đầu năm là khoảng 237.000 tỷ đồng, cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018.
Dù vậy, thị trường trái phiếu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi việc công bố thông tin vẫn chỉ ở mức “cho có” và thiếu đánh giá tín nhiệm.
Lần đầu tiên bỏ phí sàn môi giới chứng khoán, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trong khối công ty chứng khoán
Thông tư 128/2018/TT-BTC có hiệu lực từ giữa tháng 2/2019 chính thức bỏ mức sàn phí môi giới chứng khoán 0,15% giá trị giao dịch. Dù vậy, trước khi quy định của Bộ Tài chính có hiệu lực, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã thực hiện lách luật thông qua hoàn phí giao dịch hay áp dụng mức phí giao dịch "trọn gói" cho nhà đầu tư.
Việc chính thức bỏ mức sàn phí giao dịch đã khiến cuộc đua hạ phí, miễn phí môi giới của nhiều công ty chứng khoán hấp dẫn hơn. Nhiều công ty đã đồng loạt tung ra các chương trình miễn phí phí giao dịch. Ngoài ra, trên thị trường đã xuất hiện công ty chứng khoán miễn phí giao dịch trọn đời cho khách hàng.
Việc bỏ mức phí sàn sẽ nâng khả năng cạnh tranh của các công ty chứng khoán có vốn ngoại, đặc biệt từ nhà đầu tư Hàn Quốc với lợi thế vốn giá rẻ từ công ty mẹ, kinh nghiệm triển khai các sản phẩm mới. Do đó, không lạ khi trong năm 2019 đã chứng kiến sự góp mặt của của các CTCK nước ngoài trong top 10 thị phần môi giới sàn HOSE, vốn luôn là “lãnh địa” của các công ty chứng khoán trong nước.
HOSE triển khai nhóm chỉ số mới, kỳ vọng hút dòng tiền ETF
Ngày 18/11, HOSE bắt đầu triển khai 3 bộ chỉ số mới bao gồm Vietnam Diamond Index (VN DIAMOND) dành cho các cổ phiếu hết room và 2 chỉ số dành cho nhóm ngành tài chính là Vietnam Financial Select Sector Index (VN FIN SELECT) và Vietnam Leading Financial Index (VN FIN LEAD).
Các chỉ số này dự kiến sẽ được các quỹ xây dựng sản phẩm ETF (một hình thức quỹ đầu tư vào chỉ số) nhằm thu hút nhà đầu tư vào các ngành, lĩnh vực cụ thể.
Theo đó, chỉ số VN Diamond bao gồm 14 cổ phiếu thành phần. Trong đó, ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục này, ở mức 39,3%; tiếp đến là bất động sản… Cổ phiếu MWG của CTCP đầu tư Thế giới di động, FPT (CTCPFPT) và TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam) là 3 mã chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 15%/mã trong danh mục này.
Chỉ số VNFIN Lead cũng gồm 14 cổ phiếu thành phần. Riêng danh mục của VNFIN Select có 17 cổ phiếu. Cả hai bộ chỉ số này được HOSE xây dựng dựa trên các cổ phiếu thành phần thuộc chỉ số ngành tài chính - VNAllshare Financials Index và bổ sung quy định giới hạn tỷ trọng vốn hóa của cổ phiếu thành phần là 15%. Tuy nhiên, vẫn có một số khác biệt về tiêu chí xem xét cổ phiếu thành phần của 2 chỉ số. Chỉ số VNFIN Lead bao gồm tối thiểu 10 cổ phiếu thành phần, trong đó cổ phiếu được xem xét trở thành cổ phiếu thành phần khi có tỷ suất quay vòng tối thiểu 0,1% và giá trị giao dịch tối thiểu 10 tỷ đồng. Còn chỉ số VNFIN Select yêu cầu các cổ phiếu thành phần phải có giá trị vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng và có giá trị giao dịch tối thiểu 1 tỷ đồng/phiên.
Việt Nam lỡ hẹn nâng hạng thị trường của MSCI, FTSE Russel
Trái với kỳ vọng của nhà đầu tư, TTCK Việt Nam trong năm 2019 tiếp tục lỡ hẹn lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi và nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 của FTSE Russel cho dù đã có những cải thiện về pháp lý.
Được biết, Việt Nam được FTSE Russell thêm vào danh sách theo dõi để phân loại lên thị trường mới nổi hạng 2 vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 7/9 tiêu chí xếp loại của FTSE sau 1 năm rà soát.
Hai tiêu chí bị đánh giá thấp hơn gồm: Hoạt động chứng khoán thông suốt, không có lỗi không được đánh giá; Thanh toán bù trừ T+2/T+3 bị hạ từ Đạt xuống Hạn chế. Như vậy, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục được theo dõi trong năm 2020.
Chưa lên sàn FLCHomes đã bị xử phạt
Ngày 19/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 925/QĐ-XPVPHC đối với CTCP Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHomes (FLCHomes).
Vào ngày 20/11/2017, FLCHomes thực hiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần đang lưu hành (12 triệu cổ phần) trong CTCP Hóa chất và vật tư khoa học kỹ thuật (công ty đã đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN từ 15/6/2007, đã đổi tên thành CTCP Thương mại quốc tế - Biscem từ 30/10/2017) theo hợp đồng sáp nhập giữa FLCHomes và CTCP Thương mại quốc tế - Biscem nhưng không nộp hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng).
Với hành vi này, FLCHomes bị phạt tiền 400 triệu đồng căn cứ quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cùng ngày, UBCKNN cũng ban hành Quyết định số 924/QĐ-KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với FLCHomes. Theo đó, doanh nghiệp phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng nơi mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.
Sau khi có thông tin bị phạt, FLCHomes đã có văn bản gửi đến Uỷ ban Chứng khoán. Theo đó, đến cuối ngày 19/11/2019 FLCHomes đã nhận được đầy đủ văn bản thông báo của toàn bộ cổ đông sở hữu cổ phần từ đợt phát hành thêm nói trên và các cổ đông này không yêu cầu FLCHomes hoàn trả số tiền đã thanh toán mua số cổ phần này.
Công ty cũng nhấn mạnh, như vậy, FLCHomes đã hoàn tất việc khắc phục hậu quả từ hành vi trong quá khứ của Cemaco, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán. Đồng thời, việc này cũng không ảnh hưởng gì đến kế hoạch chào sàn của FLCHomes vào tháng 12 tới.
Hiện tại, TTCK chỉ còn 5 phiên giao dịch sẽ kết thúc năm 2019 nhưng FLCHomes vẫn chưa có động thái mới nhất về việc lên sàn chứng khoán.
Cú sốc FTM và rủi ro trong hoạt động cầm cố cổ phiếu
Một năm đầy biến động, trong tháng 8/2019 khi thị trường chứng kiến cú "lao dốc"của cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã FTM). Với chuỗi 30 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu FTM mất gần 90% giá trị khi giảm từ mức 23.650 đồng/cổ phiếu về giá thấp nhất 2.600 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân thiệt hại, cú “lao dốc” nói trên đã khiến nhiều công ty chứng khoán lao đao bởi các công ty này đã tiến hành cho vay với tài sản thế chấp là cổ phiếu này. Có tới 12 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã thiệt hại tổng cộng 200 tỷ đồng trong vụ này.
Theo Nhà đầu tư